Bộ Y tế vừa có công văn gửi cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Theo đó, Bộ Y tế cho biết sẽ mở rộng đối tượng tiêm chủng COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.
Hiện tại, nhiều phụ huynh học sinh mong muốn con em được tiêm phòng vaccine Covid-19 để có khả năng phòng bệnh tốt hơn khi “sống chung với Covid” trong xã hội bình thường mới. Tuy nhiên, cũng có không ít phụ huynh băn khoăn, trăn trở liệu vaccine Covid-19 có ảnh hưởng đối với con em mình khi trẻ em vẫn đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện cơ thể về mặt sinh học…
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành) liên quan đến những trăn trở này của nhiều bậc phụ huynh.
Lợi ích của việc tiêm vaccine là rõ ràng, nhưng phải tính thời điểm phù hợp
PV: Trong bối cảnh dịch đang nhiều diễn biến phức tạp, ông đánh việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ dưới 18 tuổi có tác dụng như thế nào?
TS Bùi Lê Minh: Việc tiêm phòng cho trẻ em dưới 18 tuổi nhìn chung là cần thiết như các đối tượng khác. Tiêm phòng giúp giảm tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng và quan trọng nhất là hạn chế được rất nhiều những trường hợp bệnh nặng và nguy cơ tử vong với người bệnh.
Không những thế, một khi trẻ em được phòng ngừa với bệnh dịch thì phụ huynh sẽ an tâm công tác hơn, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất trong xã hội được quay trở lại như bình thường.
PV: Có ý kiến cho rằng, trẻ em không phải là đối tượng có nguy cơ cao nếu như đã bao phủ tiêm vaccine Covid-19 cho hầu hết các đối tượng trên 18 tuổi. Ông bình luận gì về điều này?
TS Bùi Lê Minh: So với các nhóm tuổi khác thì nhóm tuổi dưới 18 có nguy cơ nhiễm bệnh và bị bệnh nặng thấp hơn nhóm còn lại. Tuy nhiên, khi số ca bệnh tăng nhanh thì số trẻ em mắc bệnh cũng tăng theo. Khi các đối tượng trên 18 tuổi đã tiêm vaccine bao phủ hết thì nhóm dưới 18 sẽ là nhóm có nguy cơ mắc bệnh và bệnh nặng cao hơn.
TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành)
Nghiên cứu ở Mỹ gần đây cho thấy, khi biến thể Delta đang phát tán mạnh thì số ca nhiễm ở trẻ em dưới 18 tuổi tăng mạnh nhất ở nhóm 0-4 tuổi. Với nhóm 12-17 tuổi thì họ đang triển khai tiêm vaccine, nguy cơ lây nhiễm của nhóm này đã giảm bằng 1/10 so với trẻ em cùng độ tuổi mà chưa tiêm phòng.
Ngoài ra, trong nhóm tuổi này cũng có những em có vấn đề về sức khỏe, nhất là các vấn đề về hệ miễn dịch làm các em cũng nằm trong nhóm có nguy cơ tương tự như người lớn có các vấn đề này. Trong số ít trẻ em phải nằm viện vì bệnh nặng hoặc tử vong trên thế giới, phần lớn là thuộc nhóm này.
Lợi ích của việc tiêm phòng là rõ ràng, nhưng vấn đề quan trọng là thời điểm nào lợi ích đem lại lớn hơn nguy cơ đối với nhóm tuổi này và với cả cộng đồng thì lại là vấn đề cần phải quan tâm.
PV: Dựa trên các thống kê và nghiên cứu thực tế của thế giới và trong nước cho thấy, tỉ lệ tử vong do Covid-19 ở trẻ em thấp hơn nhiều so với các đối tượng khác. Phần lớn trẻ em khỏe mạnh nếu mắc Covid-19 cũng không có triệu chứng, hoặc nhẹ như cảm cúm và nhanh khỏi. Vậy việc tiêm phòng vaccine Covid-19 liệu có nhiều tác dụng trong phòng chống dịch cho trẻ?
TS Bùi Lê Minh: Như tôi đã nói, nếu xét về mức độ giảm nguy cơ lây nhiễm thì vaccine cũng có tác dụng với trẻ, làm giảm tỷ lệ ca nhiễm và ca nhiễm phải điều trị tại bệnh viện.
Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ đáng kể khi các nhóm tuổi khác đã được tiêm phòng đầy đủ. Trước đó thì lợi ích này là không đáng kể khi so với nguy cơ của cả cộng đồng.
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, cơ thể vẫn đang hoàn thiện
PV: Là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học, theo ông với sự phát triển của cơ thể về sinh học, trẻ em ở độ tuổi nào tiêm vaccine Covid-19 thì phù hợp?
TS Bùi Lê Minh: Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ vì đây là giai đoạn cơ thể vẫn đang hoàn thiện và có nhiều biến đổi về nội tiết, nên không thể hoàn toàn loại trừ những tác dụng phụ có thể xảy ra muộn hơn thông thường.
Ngoài ra, nhóm dưới 1 tuổi hệ miễn dịch vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên rất nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh. Vì thế những lo ngại về vấn đề tiêm vaccine với sự phát triển sinh học của cơ thể trẻ em cũng không phải là không có cơ sở.
Độ tuổi dưới 18 cũng là một khoảng tương đối, nhóm 15-17 tuổi nhiều trường hợp đã có đặc điểm cũng giống như người trưởng thành và ngày nay các em cũng có nhiều hoạt động xã hội, có thể làm tăng các nguy cơ lây nhiễm. Vì thế, theo tôi thì nhóm 15-17 tuổi có thể cân nhắc tiêm vaccine trước giống như người lớn. Còn với nhóm trẻ dưới 2 tuổi thì nên đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho mẹ và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.
Với nhóm còn lại, nếu chỉ xét theo độ tuổi thì trong giai đoạn hiện nay khi nhiều tỉnh, thành còn đang thiếu vaccine cho người lớn thì nhóm này chưa phải nhóm nên ưu tiên để tiêm chủng, trừ các trường hợp có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch.
PV: Nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ đang khá băn khoăn về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ, vì cho rằng vaccine được nghiên cứu và áp dụng trong thời gian quá ngắn, virus thì biến đổi liên tục, rồi cả việc trẻ em cơ thể chưa phát triển hoàn thiện… Theo ông, lo lắng này liệu có cơ sở?
TS Bùi Lê Minh: Về phương diện khoa học thì chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn những giả thuyết về nguy cơ lâu dài của vaccine nếu không có bằng chứng trực tiếp, nhưng dựa vào những bằng chứng củng cố cho vấn đề vaccine không gây ra hậu quả lâu dài cho trẻ em, thì có thể nhận định là khả năng này dù có cũng là rất nhỏ.
Sự kiện có thể nói là lớn nhất liên quan tới nguy cơ tác dụng phụ lâu dài với vaccine cho trẻ em có thể nhắc tới là một nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa việc tiêm vaccine HiB (phòng viêm phổi và viêm màng não) cho trẻ em trên 2 tháng tuổi và tỷ lệ tăng trẻ em bị tiểu đường từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, quan sát này sau đó đã được thực hiện lại bởi các nhóm nghiên cứu khác và sau khi thảo luận ở các hội đồng y tế quốc tế thì kết luận cuối cùng là bằng chứng không đủ thuyết phục về mối liên hệ này. Những vaccine dùng virus sống thế hệ đầu cũng gây ra một số sự cố về lây nhiễm bệnh từ virus trong vaccine, nhưng sau đó phần lớn các vaccine đã không sử dụng công nghệ này nữa.
Các công nghệ mới như vaccine DNA (AstraZeneca, Sputnik V) hay mRNA (Pfizer, Moderna) đều không dẫn tới thời gian tồn tại lâu dài của các vật chất di truyền ngoại lai trong cơ thể người nhận vaccine, nhưng AstraZeneca, Pfizer, Moderna đều có liên quan tới các tác dụng phụ sau khi tiêm chỉ được phát hiện ở sau thời gian nghiên cứu lâm sàng như hiện tượng đông máu do vaccine, sốc phản vệ do dị nguyên chưa được xác định chính xác hoặc nguy cơ viêm cơ tim.
Ở nhiều nước, tiêm vaccine cho con do phụ huynh toàn quyền quyết định
PV: Theo tìm hiểu của ông thì ở Hàn Quốc và nhiều nước, việc tiêm vaccine cho trẻ được thực hiện thế nào, trên cơ sở bắt buộc hay tự nguyện, thưa ông?
TS Bùi Lê Minh: Chưa có nhiều nước đang thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em (mới khoảng hơn 10 nước). Ở Hàn Quốc mới bắt đầu tiêm chủng cho nhóm tuổi 16-18 từ ngày hôm qua (18/10) nhưng các trường học đã hoạt động giảng dạy trực tiếp từ tháng 8 với giới hạn số học sinh có thể tham gia lớp học, tùy thuộc vào bậc học và nguy cơ của từng khu vực. Việc tiêm chủng là không bắt buộc với những thiếu niên khỏe mạnh, chỉ bắt buộc với các trường hợp có bệnh nền.
Ameron Mabins, 13 tuổi, đang được tiêm vaccine Pfizer tại San Antonio, Mỹ hồi tháng 5/2021. (Ảnh: New York Times)
Chương trình tiêm chủng với nhóm 12-15 tuổi sẽ được thực hiện sau và dựa trên cơ sở cung cấp thông tin đầy đủ về lợi ích, nguy cơ cho người chăm sóc để đưa ra quyết định.
Ở các nước quyết định sử dụng các vaccine truyền thống hơn như Sinopharm, Sinovac, Hayat-Vax, Abdala thì độ tuổi cho phép tiêm vaccine được nới rộng hơn rất nhiều, xuống nhóm 2-3 tuổi. Tuy nhiên cũng không phải là chương trình bắt buộc mà phụ huynh được toàn quyền quyết định. Ví dụ ở Anh thì Hội đồng Vaccine và Chủng ngừa (JCVI) đã cân nhắc lợi ích và nguy cơ trong việc có nên tiêm vaccine cho nhóm trẻ 12-15 tuổi hay không và đã đưa đến nhận định là lợi ích là quá nhỏ, nhưng việc tiêm vaccine cho trẻ có bệnh nền là cần thiết. Có thể thấy, các nước đều có những quyết định khác nhau dựa trên đánh giá lợi ích, nguy cơ và các nguồn cung cấp vaccine.
PV: Trong thời điểm hiện nay với các loại vaccine hiện có, nếu tiêm cho trẻ em, theo ông loại vaccine nào là phù hợp?
TS Bùi Lê Minh: Các loại vaccine đã được cấp phép cho sử dụng với trẻ em đều có khả năng sử dụng được ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo tôi thì để tiến hành cẩn trọng thì trong giai đoạn đầu khi vẫn đang phải tập trung cho việc tiêm chủng người lớn tuổi và người có bệnh nền thì chỉ nên tiêm chủng cho nhóm 15-17 tuổi có bệnh nền và tiêm thử nghiệm các loại vaccine với số lượng giới hạn để vừa làm vừa đánh giá.
Với cách làm này, khi đã đảm bao phủ vaccine ở các nhóm nguy cơ cao hơn thì chúng ta sẽ có số liệu thực tế ở trong nước để làm cơ sở cho chương trình tiêm vaccine diện rộng cho trẻ em.
Với nguy cơ thấp trong khả năng bị bệnh nặng của trẻ em thì tôi vẫn đánh giá các vaccine sử dụng công nghệ truyền thống cao hơn. Những vaccine này mặc dù phần lớn hiệu quả bảo vệ kém hơn so với các vaccine dùng công nghệ mới, nhưng ở nhóm tuổi này sự khác biệt sẽ không còn đáng kể, trong khi khả năng bảo vệ giảm các ca nặng và tử vong giữa các vaccine không có khác biệt lớn. Việc giảm các nguy cơ tác dụng phụ sau tiêm khi dùng các loại vaccine này cũng sẽ đỡ gây ảnh hưởng tới việc học của trẻ hay tâm lý phụ huynh.
PV: Xin được hỏi, với cá nhân ông, khi được lựa chọn vaccine tiêm cho con, ông sẽ chọn loại nào?
TS Bùi Lê Minh: Theo quan điểm cá nhân của tôi thì nếu chương trình tiêm chủng tiến hành cho trẻ em, tôi sẽ cho con tiêm các vaccine dùng virus bất hoạt (Sinopharm, Hayat-Vax) hoặc tiểu phần virus (Abdala).
Các thông tin thực tế và lịch sử sử dụng các loại vaccine dạng này có thể khiến tôi an tâm hơn, nhưng không có nghĩa là các vaccine mới không an toàn. Phương án tốt nhất là đưa ra nhiều lựa chọn cho phụ huynh tự quyết định khi có thể tiêm chủng cho trẻ em.
PV: Xin cảm ơn ông./.