Vitamin D có tên khoa học là calciferol, được cung cấp từ thực phẩm có hai dạng: vitamin D2 hay ergocalciferol hiện diện trong thực vật (trong nấm men và một số loại nấm) và vitamin D3 hay cholecalciferol có trong động vật (có nhiều nhất là dầu gan cá biển sâu).
Đặc biệt, ở vùng thượng bì của da chúng ta có chứa hợp chất 7-dehydrocholesterol được xem là tiền vitamin D. Khi có tia cực tím của ánh nắng (đặc biệt là UVB có bước sóng 290-325nm) chiếu vào da sẽ biến tiền vitamin D thành cholecalciferol tức vitamin D3.
Vitamin D sản xuất từ ánh nắng mặt trời chiếu vào da. Nếu sản xuất dư vitamin D, cơ thể ta không dùng hết được sẽ được dự trữ ở gan hoặc mô mỡ để sử dụng dần dần. Ngoài vitamin D là “của trời cho” sản xuất bởi ánh bắng mặt trời, vitamin này còn được cung cấp từ thực phẩm như dầu gan cá, mỡ cá (cá hồi, cá trích, cá mòi…), lòng đỏ trứng, sữa.
Vì vitamin D liên quan đến chuyển hóa canxi nên trong điều trị thiếu canxi do nhu cầu phải tăng calci để không rối loạn xương (như trẻ con chậm lớn, phụ nữ mang thai và cho con bú, suy nhược cơ thể…) thường bổ sung cả hai calci và vitamin D.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Annals of Internal Medicine (Mỹ), việc bổ sung canxi và vitamin D cùng nhau có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Điều này đã gây hoang mang cho nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thói quen sử dụng thực phẩm chức năng như một phần thiết yếu trong cuộc sống thường ngày. Trong khi đó, canxi và vitamin D lại là một trong những loại thực phẩm chức năng được sử dụng phổ biến nhất.
Ở Mỹ, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nutrition cho thấy 37% người Mỹ đang sử dụng vitamin D và 43% đang bổ sung canxi.
Cách đây vài năm, các nghiên cứu tương tự về việc bổ sung canxi và vitamin D đã xuất hiện. Bác sỹ tim mạch Stephen Kopecky đến từ Mayo Clinic (Mỹ) giải thích rằng, không nên hoảng loạn nếu đã bổ sung canxi và vitamin D cùng nhau.
BS. Kopecky cho biết, các nghiên cứu đã xem xét việc việc sử dụng vitamin D và bổ sung canxi dựa trên dữ liệu theo dõi có độ chính xác thấp. Ví dụ, nếu một người tham gia nghiên cứu đã chết trước khi dữ liệu được thu thập, thì rất có thể người điền vào bảng câu hỏi về sức khỏe của nạn nhân lại là các thành viên trong gia đình.
Các nghiên cứu nói trên dựa vào các thông tin này, vì vậy có khả năng chúng không chính xác hoàn toàn. Từ đó, việc kết luận bổ sung calci và vitamin D cùng nhau làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim là không có cơ sở vững chắc.
Thực tế, nếu bác sỹ khuyên bạn nên bổ sung calci và vitamin D hãy thực hiện theo. Tuy nhiên, nếu tự ý bổ sung các chất này hoặc nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn nên dừng lại và cân nhắc kỹ có nên tiếp tục bổ sung hay không.
Nếu lo lắng về lượng calci và vitamin D của mình, hãy thay đổi lối sống thay vì chỉ sử dụng thực phẩm chức năng. Tiêu thụ một chế độ ăn uống với những thực phẩm giàu calci và vitamin D là điều đơn giản nhất bạn có thể làm mà không cần e sợ các tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe.