Nhà tâm lý học người Úc, Tiến sĩ Bailey Bosch, cho rằng những người quản lý giấc ngủ hiệu quả sẽ ít mệt mỏi trong ngày. Điều này có nghĩa họ có nhiều thời gian và năng lượng hơn để hoàn thành các nhiệm vụ trong ngày, giúp cho sự phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần.
Những người đã quen với việc thức khuya có thể thay đổi dần từng chút thói quen của mình. Bạn có thể tái thiết lập đồng hồ cơ thể để làm quen với thói quen mới, và cơ thể bạn sẽ dần thích nghi và nó sẽ trở lại thành một nhịp điệu tự nhiên, giúp bạn thấy yêu bản thân mình hơn.
Tuy nhiên, chìa khóa để tận dụng tối đa buổi sáng không phải là một danh sách dài những việc cần làm ngay khi vừa thức giấc. Thay vào đó, bạn nên dành chút thời gian bên một tách cà phê hoặc đọc tin tức nổi tiếng, hay bất cứ điều gì cho bạn cảm giác thảnh thơi, thư giãn.
“Thức dậy sớm có thể giúp bạn giải quyết được những công việc cần thiết không vội vàng nhưng để đạt được lợi ích tối đa từ việc dậy sớm, hãy dành thời gian đặc biệt để bạn thưởng thức những hoạt động bình thường”, Tiến sĩ Bailey Bosch chia sẻ. Theo đó, thức dậy sớm để cho bản thân nghỉ ngơi một chút, thoát khỏi từ “làm việc”, chỉ như vậy thôi. Nó có thể khó khi bạn bắt đầu thói quen này nhưng kết quả sẽ là một thay đổi tích cực trong suốt thời gian còn lại trong ngày.
Những lợi ích của việc thức dậy sớm không kết thúc ở đó. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy những người thức dậy muộn cũng ít có khả năng kết hôn hơn, nhiều khả năng sống một mình, nhiều khả năng hút thuốc hơn và cũng có những giấc ngủ không chất lượng.
Nhà tâm lý học người Úc, bác sĩ Marny Lishman giải thích điều đó là do việc thức dậy sớm cũng có tác động đến tâm trạng của con người suốt cả ngày. Cô nói rằng nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể con người là để thức dậy khi mặt trời mọc và đi ngủ không lâu sau khi mặt trời lặn. Nhưng trong xã hội ngày nay chúng ta đã đẩy những ranh giới tự nhiên này xa hơn, chúng ta ngủ rất muộn sau khi mặt trời lặn, và thức dậy rất lâu sau khi mặt trời mọc, do đó bỏ lỡ ánh sáng mặt trời có giá trị, bỏ lỡ thời gian hoạt động xã hội và những hoạt động ưa thích của bản thân. Điều này khiến chúng ta dễ bị căng thẳng hơn vì chúng ta có ít thời gian hơn. TV, Netflix, game và các thiết bị điện tử khác đã đẩy chúng ta đi quá xa giới hạn khiến mọi người có xu hướng thiếu ngủ, dẫn đến mệt mỏi. Có nghĩa là mọi người không được nạp đủ năng lượng, thư giãn và tái tạo trẻ hóa nhiều như mức cơ thể cần, và tất nhiên lâu dần sẽ có thể dẫn đến trầm cảm và các triệu chứng lo âu.
Cô cho biết điều quan trọng là mọi người phải thức dậy 30 phút trước thời gian bình thường mỗi ngày vì nó giúp mọi người kiểm soát ngày của họ.
"Bằng cách làm một cái gì đó thú vị trong thời gian 30 phút này, như tập thể dục, thiền định, hoặc chỉ ngồi một cách yên bình và thưởng thức một tách trà bên ngoài hiên nhà, sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng, và tạo giai điệu cho phần còn lại của ngày”, Tiến sĩ Lishman nói, cô cho rằng cam kết một thói quen ngủ lành mạnh có thể tạo nên một thế giới khác biệt đối với sức khỏe tâm thần.
Lời khuyên của cô cũng bao gồm việc không uống cà phê trong thời gian 6 tiếng trước khi đi ngủ, ở ngoài trời nhiều thời gian vào ban ngày, tích cực hoạt động thể chất trong ngày, không để thiết bị điện tử trên giường và giảm ánh sáng trước khi đi ngủ.
Lý tưởng nhất là mọi người cần phải thức dậy và đi ngủ cùng một giờ mỗi ngày - nếu bạn cam kết lặp lại điều này, bạn thiết lập lại nhịp sinh học của mình và có thể tạo ra một thói quen lành mạnh mới và giúp cho sức khỏe tâm thần của mình tốt hơn.