GS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội Hồi sức tích cực Việt Nam, cho biết triglyceride là dạng chất béo có trong thực phẩm mà cơ thể chúng ta vẫn tiêu thụ hàng ngày, chủ yếu có trong các loại mỡ động vật và thực vật. Cơ thể cần sử dụng triglyceride để tiêu hóa và chuyển sang dạng năng lượng tế bào đáp ứng các hoạt động sống, trao đổi chất.
Triglyceride dư thừa phần lớn do cơ thể tiếp nhận lượng lớn từ thực phẩm, nên chú ý đến chế độ ăn uống hợp lý là điều đầu tiên để giảm mỡ máu cũng như triglyceride. Chế độ ăn uống lành mạnh cần cân bằng các nhóm chất quan trọng như tinh bột, chất béo, protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Khi triglyceride được tích trữ quá nhiều sẽ khiến chỉ số triglyceride trong máu tăng cao và gây hại cho cơ thể. Thông qua các xét nghiệm máu, bạn có thể kiểm tra mức triglyceride có trong máu cũng như dự trữ trong cơ thể và đánh giá tình trạng cao hoặc thấp của chỉ số này.
Ví dụ triglyceride bình thường: dưới 150 mg/dL. Triglyceride ở mức ranh giới cao: 150 - 199 mg/dL. Triglyceride cao: 200 - 499 mg/dL. Triglyceride ở mức rất cao: trên 500 mg/dL.
|
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, mọi người mới chỉ quan tâm đến chỉ số cholesterol trong máu cao mà không biết rằng kiểm soát triglyceride cũng vô cùng quan trọng với sức khỏe. Đặc biệt, triglyceride tăng gây ra bệnh lý viêm tụy cấp.
Ví dụ như trường hợp của chị C.T.X (43 tuổi, Đà Nẵng) được người nhà đưa đến cấp cứu tại BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị kèm nôn mửa liên tục trong 6 tiếng.
Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ triglyceride máu là 97,94 mmol/L, tăng gấp 58 lần giá trị bình thường (1,70 mmol/L). Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) ổ bụng thể hiện hình ảnh viêm tụy cấp thể phù nề. Các bác sĩ xác định người bệnh bị viêm tụy cấp do triglyceride máu tăng quá cao.
Chị N.T.M. (34 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) từng cấp cứu vì viêm tụy cấp do tăng triglyceride. Chị M. cho biết lần mang thai thứ hai chị vừa tăng cân vừa bị tăng mỡ máu. Đến tuần thứ 30 của thai kỳ chị M. thấy đau bụng dữ dội. Chị được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Phụ Sản Trung ương sau đó chuyển sang BV Bạch Mai cấp cứu vì viêm tụy cấp.
Các xét nghiệm của chị M. cho thấy men tuỵ cao, P-Amylase 460.19U/l, Triglycerid 23.11, Cholesterol 16.88mmol/l… Sản phụ cũng được chẩn đoán viêm tuỵ cấp do tăng tryglycerid trên phụ nữ mang thai và theo dõi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.
Với những trường hợp viêm tụy cấp do tăng triglycerid phương pháp điều trị là thay huyết tương, hiệu quả giải quyết dứt điểm tình trạng triglyceride máu tăng cao cho người bệnh. Có những bệnh nhân vào cấp cứu nồng độ triglyceride máu của người bệnh rất cao, huyết tương ngày đầu được lọc ra từ máu người bệnh trắng đục như sữa.
Trong những trường hợp viêm tụy cấp do triglyceride máu tăng rất cao, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: tắc mạch, viêm tuỵ cấp gây suy đa tạng, thậm chí tử vong.
Ngoài viêm tụy cấp, tăng nhiều nghiên cứu cho thấy mức triglyceride cao có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển đột quỵ. Trong thời gian 4 năm, các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Los Angeles, Hoa Kỳ đã thu thập dữ liệu trên hơn 1.000 bệnh nhân điều trị tại một trung tâm y tế với chẩn đoán cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), còn được gọi là “đột quỵ nhẹ”.
Tất cả các bệnh nhân này đều được xét nghiệm lipid sau khi nhập viện. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những bệnh nhân có mức triglyceride cao có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2,7 lần so với những người có mức triglyceride thấp.
Triglyceride cao cũng gây ra xơ vữa động mạch. Nếu mảng xơ vữa hoặc cục máu đông vỡ ra có thể làm tắc nghẽn dòng máu trong động mạch cung cấp cho cơ tim, có thể gây ra cơn đau tim, hoặc động mạch cung cấp cho não, có thể gây đột quỵ. Mức LDL (cholesterol xấu) cao, chứng béo phì và tình trạng kháng insulin cũng là những yếu tố quan trọng gây xơ vữa động mạch.
Nguyên nhân chính khiến triglyceride máu tăng cao xuất phát từ chế độ ăn sử dụng nhiều dầu, mỡ động vật, đồ chiên rán, uống bia rượu.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, người dân cần duy trì luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, hạn chế sử dụng thực phẩm giàu chất béo và kiểm tra sức khỏe định kỳ để đánh giá chỉ số triglyceride.
Giảm trọng lượng cơ thể là yếu tố tiên quyết nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì. Mất 5-10% trọng lượng hiện tại có thể làm giảm nồng độ triglycerid 20%.
Trong lối sống hàng ngày, bác sĩ Bình khuyến cáo bạn hạn chế các chất béo, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa. Có thể làm giảm triglyceride bằng cách tránh tiêu thụ chất béo không lành mạnh có trong thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo, bơ và da gà; hạn chế tiêu thụ chất béo chuyển hóa có trong thức ăn nhanh và chiên xào.