Bánh đa cua
Bánh đa cua có tại nhiều nơi nhưng không nơi nào ngon như ở Hải Phòng. Bởi thế, bánh đa cua được ví như “hơi thở” của vùng đất cảng.
Các nguyên liệu làm món ăn trong ẩm thực Hải Phòng này rất đơn giản, quen thuộc của đồng bằng Bắc Bộ như cua đồng, bánh đa đỏ, rau muống, rau rút, lá lốt… Nét đặc biệt nhất của bánh đa cua Hải Phòng là đặc sản bánh đa đỏ.
|
Bánh đa cua đỏ nổi tiếng đất cảng. |
Để làm ra bánh đa đỏ - ngoài sự kỳ công, kiên nhẫn còn cần dựa vào bí mật gia truyền. Những hạt gạo loại ngon được phơi già nắng, đem ngâm gạo vào nước trong vài canh giờ, rồi xay nhuyễn, đổ một lượng nước vừa đủ để tạo nên thứ bột sánh mịn, dẻo mềm.
Bát bánh đa cua không chỉ dẻo ngon, dai, quánh, giòn ở sợi bánh mà còn hấp dẫn bởi những con cua đồng béo ngậy, chắc thịt. Nồi nước dùng được nấu từ cua đồng vừa đậm đà, bổ dưỡng lại giúp lưu giữ, lan tỏa hương vị đặc trưng của món bánh đa cua. Mùa hè, bánh đa cua giúp “hạ nhiệt” bởi màu xanh mát mắt của rau muống, rau rút.
Nem vuông cua bể
Đặc sản thực khách không thể bỏ qua ở Hải Phòng để cảm nhận hết vị mặn mòi và ngọt lành của biển là nem cua bể. Vẫn là công thức làm nem của người miền Bắc, nhưng nem cua bể có phần nhân chủ yếu là hải sản (như tôm, cua...), ngoài ra còn có thêm giá và miến.
|
Nem vuông cua bể là món ăn đặc sản của Hải Phòng. Ảnh: tinmoi |
Nem được gói vuông, không to nhưng thịt cua lại chắc và thơm ngon đặc biệt. Cua được chọn làm nem phải là cua gạch, mình dày, nặng. Nem cua không thể thiếu nấm hương, mộc nhĩ, thịt nạc vai, lòng đỏ trứng gà, hành lá, miến, giá đỗ… cùng các loại gia vị được tẩm ướp trong quá trình chế biến.
Để có được những chiếc nem thơm ngon, đạt tiêu chuẩn, đòi hỏi phải có kỹ thuật khéo, trong đó khâu bảo quản nguyên liệu nhất là chất cua rất khắt khe. Rán nem cua cũng cần lưu ý để nem ngập trong mỡ sôi già, liên tục đảo đều các cạnh và điều chỉnh lửa phù hợp để nem chín vàng đều, không bị lốm đốm cháy.
Lẩu cua
Lẩu cua ở Hải Phòng, mà nhất là lẩu cua đồng cũng rất nổi tiếng. Sự đặc biệt nằm ở cách chế biến, khiến cho nồi lẩu ở đây mang hương vị không lẫn vào đâu được.
Nước dùng cực kỳ đậm vị, nhiều gạch và thịt cua. Ngoài các loại thịt, bạn còn có thể ăn lẩu với các loại hải sản tươi sống vì đây là thứ rất sẵn có ở Hải Phòng.
Ngoài hương vị thơm ngon, lẩu cua ở Hải Phòng còn được chú ý bởi mức giá rẻ hơn khá nhiều so với những nơi khác.
Bánh mì cay
Những chiếc bánh mì chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, phần nhân là một lớp patê, tương ớt, rất giản dị, rẻ tiền nhưng đều khiến những người phương xa tới mê mẩn.
|
Bánh mì cay Hải Phòng dễ khiến thực khách "nghiền". Ảnh: I.T |
Dân bản địa ở Hải Phòng thường ăn ở Hàng Kênh, Cát Cụt, ngõ chợ Cột Đèn... và bạn sẽ hiểu vì sao chiếc bánh nhỏ xíu với duy nhất một món nhân “nghèo nàn” lại khiến người ta yêu thích thế.
Để có patê ngon, phải chọn loại gan và thịt lợn tươi. Thịt lợn đem luộc và xay nhuyễn cùng gan rồi được hấp cách thủy khoảng 4 - 6 tiếng đồng hồ. Khi khách tới, người bán hàng thoăn thoắt xẻ dọc chiếc bánh bé xíu bằng hai ngón tay, quết vào ruột một lớp patê có dắt chút mỡ trắng mềm mịn. Ngoài chút nhân là patê, người bán còn tra một chút tương ớt.
Bánh sau khi tra nhân, được nướng bằng bếp than, giòn và nóng hổi. Patê cùng lớp mỡ mềm mịn tan ra, tạo thành một mùi thơm rất quyến rũ cùng chút chí chương cay nồng với màu đỏ tươi bắt mắt.
Bánh bèo
Bánh bèo Hải Phòng là sự kết hợp giản dị nhưng hoàn hảo từ bột gạo, hành khô, mộc nhĩ, thịt lợn để làm nhân bánh và nước chấm đặc biệt được chế biến từ nước xương.
Bánh bèo được đặt trong từng khuôn lá chuối khum khum như chiếc thuyền con. Phần bột được khéo léo rót vào trước rồi mới đặt nhân lên trên để sau khi hấp, phần nhân nổi lên đẹp mắt. Kích thước chiếc bánh của người Hải Phòng cũng vượt trội so với chiếc bánh bèo bình thường. Khi ăn, mỗi chiếc bánh bèo được cắt làm 6 hoặc 8 miếng.
Đĩa bánh bèo được coi là chuẩn vị khi lớp bột bánh ăn mềm nhưng không nát, bột bánh chắc nhưng cắn vào là tan dần trong miệng. Vị bột kết hợp với nhân thịt băm đậm và thơm, thêm chút mắm mặn âm ấm, chút vị chua chua của quất, chút tê tê khi thêm bột ớt cùng hạt tiêu sẽ làm nên bữa quà chiều ngon miệng.
Thạch găng
Những miếng thạch mềm mềm, xanh mướt, ăn cùng nước đường ngọt dịu sẽ cho cảm giác tan chảy nơi đầu lưỡi.
Thạch găng được làm từ lá cây găng rừng. Đây là loài cây thân gỗ, nhiều gai nhỏ, lá hơi tròn mọc thành bụi, thường có ở các vùng trung du phía Bắc. Cây lá găng có nhiều loại nhưng để chế biến thạch, người làm phải chọn những cành găng gai, lá hơi thuôn, nhọn, tù ở đầu.
Lá găng rừng mang về được phơi khô, bỏ hết gai sau đó rửa sạch. Lá để làm thạch phải chọn lá găng khô, khi vò thạch mới ngon và không có mùi hôi.
Sau đấy vò thật nhanh, khoảng 10-15 phút. Lá găng vò xong cho vào 1 tấm vải mềm, rồi đem lọc bằng nước đun sôi để nguội, vắt kiệt hết chất trong lá. Sau khi lọc xong, chờ trong vòng một tiếng để chúng lắng xuống là có thể thưởng thức.
Thạch có thể ăn thêm với nước đường pha với hoa nhài hoặc uống cùng sữa đậu nành. Món này phù hợp nhất với những ngày hè nắng nóng nực.