Thói quen tắm nước nóng giúp người Nhật giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ

Google News

(Kiến Thức) - Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, tắm nước nóng ít nhất 5 lần trong một tuần có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ hoặc các bệnh tim mạch khác; làm giảm huyết áp cao.

Trong nghiên cứu được đăng tải trong tạp chí Heart, tắm nước nóng hàng ngày có thể giảm 28% nguy cơ mắc bệnh tim và 26% nguy cơ đột quỵ. Kết quả này được phát hiện sau một quá trình theo dõi thói quen tắm nước nóng hàng ngày và kiểm tra nguy cơ mắc bệnh tim mạch của hơn 61.000 người Nhật ở độ tuổi trưởng thành trong vòng 20 năm.
Thoi quen tam nuoc nong giup nguoi Nhat giam nguy co dau tim, dot quy
Không chỉ giúp cơ thể thư giãn, tắm bồn còn đem lại lợi ích về sức khỏe. Ảnh: Internet. 
Theo đó, những người tham gia có độ tuổi từ 40-59 và không có tiểu sử bệnh tim được các nhà khoa học Nhật theo dõi từ năm 1990 đến 2009. Họ được tách làm các nhóm dựa trên tần suất tắm bồn nước nóng như: ít hơn 1 tuần 1 lần, từ 1-2 lần một tuần, gần như hàng ngày.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng thu thập các thông tin được cho là yếu tố gây ảnh hưởng như cân nặng, tình trạng hút thuốc, tần suất tập thể dục, mức độ uống rượu, trạng thái công việc, giáo dục, thời gian ngủ, mức độ căng thẳng và hưng phấn trong cuộc sống.
Cuối năm 2009, trong hơn 30.000 người được chọn lọc cuối cùng, các nhà nghiên cứu thống kê được 2.097 trường hợp mắc bệnh tim mạch, trong đó 275 người bị bệnh tim và 1.769 người có nguy cơ đột quỵ. Các nhà khoa học phát hiện rằng nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ càng giảm nếu người đó càng ngâm mình thường xuyên trong nước nóng.
Hơn nữa, nhiệt độ của nước cũng đóng vai trò quan trọng khi nguy cơ mắc bệnh tim giảm 26% nếu tắm nước ấm và 35% nếu ngâm trong nước nóng.
Thoi quen tam nuoc nong giup nguoi Nhat giam nguy co dau tim, dot quy-Hinh-2
 
Theo báo cáo, việc ngâm mình trong bồn nước nóng được xem như một phương pháp phòng ngừa hiệu quả đối với bệnh tim bằng cách cải thiện cái được gọi là “chức năng huyết động”. Theo bác sĩ tim mạch Eric Brandt của bệnh viện Yale New Haven (Mỹ), đây là cách mà máu được bơm một cách hiệu quả tới toàn cơ thể. Chức năng huyết động tốt có nghĩa là tim có thể bơm máu hiệu quả mà không phải chống lại các tình trạng khác như huyết áp cao.
“Về bản chất, chức năng huyết động tồi đồng nghĩa với tình trạng huyết áp đặc biệt cao hoặc thấp, khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Dường như việc ngâm mình trong bồn như một bài tập thể dục cho tim bằng cách thư giãn các mạnh máu và giúp máu được bơm tới các bộ phận khác của cơ thể. Vì vậy, tắm bồn như một cách tạo thêm việc cho tim mà không có hậu quả tiêu cực”, bác sĩ Eric Brandt cho hay.
Ngoài ra, ngâm mình trong bồn nước nóng còn có nhiều lợi ích khác như:
Làm sạch da: Nước nóng không chỉ làm sạch da từ bên ngoài mà còn giúp mở các lỗ chân lông trên da và loại bỏ các chất bẩn và chất độc giúp làn da tươi mới và dẻo dai.
Cải thiện não và sức khỏe thần kinh: Khi bạn ngâm mình trong bồn tắm nước nóng, hệ thống thần kinh thư giãn, giảm đau và viêm. Điều này giúp giảm căng thẳng và lo âu.
Giúp ngủ ngon: Nước nóng làm dịu các cơ của cơ thể, giúp bạn thư giãn thể chất và tinh thần; do đó giúp bạn ngủ nhanh hơn và sâu hơn.
Giảm cân: Ngâm mình trong bồn nước nóng làm giảm lượng đường trong máu và giảm cân ở những người bị tiểu đường.

Video "Dễ ngộ độc chì từ thói quen hàng ngày". Nguồn: VTC14.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc ngâm mình trong nước nóng vì lợi ích sức khỏe không phải là không có những rủi ro. Việc tắm bồn có thể dẫn đến tình trạng đột tử, đặc biệt ở người cao tuổi, do các rủi ro đuối nước, đau tim do nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột, hay thậm chí đột quỵ do nhiệt khi cơ thể không kiểm soát được sự thay đổi.
Lưu ý. Không phải ai cũng nên tắm bồn nước nóng. Đối với những người bị huyết áp thấp, các bệnh tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý là bệnh nhân bị bệnh tim tắm nước nóng, nhiệt độ tăng đột ngột có thể gây áp lực nhẹ lên hệ thống tim mạch, dẫn đến nhịp tim tăng. Và điều này có thể gây tử vong cho người đã có một tình trạng giảm chức năng của tim, các động mạch bị tắc và nhịp tim không đều. Nếu bạn có bệnh tim, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tắm nước nóng nhằm cải thiện sức khỏe.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)