Sau hơn nửa năm gián đoạn vì thiếu thuốc phóng xạ, ngày 9/6, máy chụp PET/CT tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã hoạt động trở lại nhờ nguồn thuốc phóng xạ 18F-FDG do Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.
Theo TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, 7 bệnh nhân đầu tiên đã được chụp PET/CT.
|
Máy chụp PET/CT tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã được hoạt động trở lại sau hơn nửa năm ngừng lại vì thiếu thuốc phóng xạ. |
Trước mắt Bệnh viện Chợ Rẫy cung ứng lượng thuốc phóng xạ đủ chụp 7 ca/ngày, một tuần ba đợt.
Dự kiến, sau một tuần, Bệnh viện Ung bướu TP HCM sẽ tổng kết nhu cầu đăng ký của bệnh nhân để có giải pháp tiếp theo. Chi phí hiện vẫn khoảng 25 triệu đồng cho 1 ca chụp PET/CT.
Trước đây, mỗi tuần Bệnh viện Ung bướu TP HCM tiến hành chụp PET/CT cho khoảng 40 ca.
Từ cuối năm ngoái, hệ thống PET/CT của Bệnh viện ngưng hoạt động vì doanh nghiệp cung cấp thuốc phóng xạ 18F-FDG bị gián đoạn sản xuất do vướng các thủ tục giấy tờ.
Ba bệnh viện khác tại TP HCM được trang bị máy này là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhân dân 115. Tuy nhiên, chỉ Bệnh viện Chợ Rẫy có hệ thống sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG nên máy chụp tại đây còn hoạt động.
Bệnh nhân vì thế cũng từ các nơi dồn về khiến Bệnh viện Chợ Rẫy quá tải, bệnh nhân phải đăng ký và chờ một tháng mới đến lượt chụp.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hướng dẫn các viện liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy để mua thuốc phóng xạ, giải quyết tình thế thiếu trước mắt. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất thuốc phóng xạ trên vẫn chưa hoàn thành thủ tục giấy phép để có thể cung cấp lâu dài cho các bệnh viện.
Trong khi các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác thường chỉ áp dụng ở một vùng cơ thể, PET/CT có thể khảo sát toàn thân, giúp chẩn đoán bệnh ở mức độ tế bào, mức độ phân tử.
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này có độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác cao, có khả năng phát hiện tổn thương và bệnh lý ở giai đoạn rất sớm, đặc biệt là ung thư.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt giam nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: