TP HCM: Máy chụp PET/CT ngừng hoạt động, bệnh nhân ung thư thắc thỏm

Google News

Do thiếu thuốc phóng xạ, máy chụp PET/CT chẩn đoán ung thư tại Bệnh viện Nhân dân 115, Quân y 175, Ung bướu TP HCM và Chợ Rẫy phải cầm chừng hoặc ngừng.

Tại các bệnh viện, danh sách người bệnh ung thư chờ được chụp PET/CT đang nối dài. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị sớm một số loại bệnh ung thư.

TP HCM: May chup PET/CT ngung hoat dong, benh nhan ung thu thac thom
Do thiếu thuốc phóng xạ, PET/CT chẩn đoán ung thư hàng triệu USD tại Bệnh viện Nhân dân 115, Quân y 175, Ung bướu TP HCM và Chợ Rẫy phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng.  
Vào tháng 2/2020, Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã đưa vào sử dụng hệ thống máy PET/CT giúp chẩn đoán và điều trị ung thư. Tại thời điểm đó, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, đây là một trong những thế hệ máy hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay.

Thiết bị giúp giảm liều thuốc phóng xạ, ghi hình ít hơn và thời gian ghi hình ngắn hơn. Công suất máy tối đa có thể ghi hình đến 30 ca/ngày.

Qua đó giúp các bác sĩ chuyên ngành ung thư phân lập chính xác giai đoạn của hầu hết các loại ung thư như ưng thư vú, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư giáp, ung thư tử cung...để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng giai đoạn ung thư

Bà Th (65 tuổi) cho biết, bà xuất hiện nhiều hạch gần khối ung thư thực quản. Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP HCM chỉ định chụp PET/CT xác định tính chất của hạch, có phải là di căn hay không, để có hướng điều trị phù hợp.

Tuy nhiên, máy chẩn đoán của đơn vị đang phải dừng hoạt động. Bà liên hệ Bệnh viện Quân y 175 nhưng cũng được thông báo là chưa có thuốc phóng xạ để chụp. Bà đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy, nhân viên y tế báo phải chờ.

Một bệnh nhân khác được phát hiện ung thư phổi giữa tháng 5/2022. Bà cũng được bác sĩ chỉ định chụp PET/CT. Nhưng khi đến Bệnh viện Quân y 175 để đăng ký, bệnh viện thông báo hiện không thể chụp được vì không còn thuốc để sử dụng và giới thiệu đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Bà nằm trong danh sách chờ cả tháng sau mới được chụp PET/CT.

Trong danh sách chờ chụp, ngoài những nơi máy ngưng hoạt động, còn rất nhiều bệnh nhân từ các bệnh viện điều trị ung bướu khác như Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện TP Thủ Đức...

TP HCM: May chup PET/CT ngung hoat dong, benh nhan ung thu thac thom-Hinh-2
TPHCM có 4 bệnh viện trang bị loại máy PET/CT nhưng chỉ có một hệ thống sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 
Ảnh: Bệnh viện Ung bướu TPHCM 

PET/CT là phương tiện chẩn đoán, theo dõi, điều trị nhiều bệnh lý, đặc biệt có khả năng phát hiện tổn thương và bệnh lý ở giai đoạn rất sớm như ung thư, nhờ sử dụng thuốc phóng xạ 18F-FDG. Giá một lần chụp dao động khoảng 25-27 triệu đồng.

TP HCM có 4 bệnh viện trang bị loại máy PET/CT, nhưng chỉ có một hệ thống sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, công suất sản xuất thuốc phóng xạ rất thấp, không đủ cung cấp cho các nơi.

Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã hợp đồng với một công ty bên ngoài để cung cấp thuốc phóng xạ nhưng cũng gặp nhiều vướng mắc, máy chụp PET/CT ngưng hoạt động hơn nửa năm nay.

BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc bệnh viện Ung bướu, cho biết nguyên nhân là doanh nghiệp bị vướng thủ tục nên nguồn cung bị gián đoạn. Sở Y tế TP HCM đã gửi công văn đến Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), song lại được hướng dẫn liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy để mua thuốc.

Trước đây, mỗi tuần Bệnh viện Ung bướu chụp PET/CT khoảng 10-20 trường hợp. Đây là kỹ thuật hiện đại, đắt tiền nên bác sĩ chỉ định rất chặt chẽ và lựa chọn những trường hợp thật sự cần thiết mới yêu cầu thực hiện.

Máy PET/CT tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM là máy thuê, chụp ca nào trả tiền nhà đầu tư ca đó, do đó, việc máy dừng hoạt động bệnh viện không thiệt hại, nhưng bệnh nhân ung thư bị ảnh hưởng, không được kịp thời điều trị.

Trong khi đó, theo TS.BS Xuân Dũng, Bệnh viện Ung bướu sắp được bàn giao thêm một máy từ nguồn ngân sách, nếu không có thuốc phóng xạ, cả hai máy đều bị kẹt.

Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện sẽ chia sẻ nguồn thuốc phóng xạ với Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Ung bướu TPHCM để phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, công suất lò thuốc phóng xạ không thể mở rộng thêm, trong khi nhu cầu sử dụng hiện tăng cao nên chưa thể đáp ứng kịp.

Do thuốc phóng xạ sản xuất ra có thời gian rất ngắn, phải sử dụng trong khoảng 6 -8 tiếng, nên các bệnh viện không thể chuyển thuốc từ các tỉnh thành xa đến thay thế.
 
 Mời độc giả xem thêm video 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn (Nguồn: THĐT) 

 
An Quý

>> xem thêm

Bình luận(0)