Công an quận 9, TP.HCM vừa ra quyết định bắt khẩn cấp đối với D.V.L (SN 1993, quê Đồng Nai) lập hồ sơ chuyển giao cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để điều tra, xử lý về hành vi “hiếp dâm trẻ em”. L. hiện là giáo viên của 1 trường cấp 2 đóng ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương và đã có vợ con. Nạn nhân vụ xâm hại tình dục này là em Hoa (tên nạn nhân đã thay đổi, SN 2008), là học sinh của trường trên.
|
Ảnh minh hoạ. |
Theo điều tra vụ việc thầy giáo hiếp dâm nữ sinh, ông L. và em Hoa thường xuyên nhắn tin qua điện thoại và qua mạng xã hội. Cách đây khoảng 3 tháng, thầy giáo L. đã rủ em Hoa đi khách sạn quan hệ tình dục và dùng điện thoại quay lại cảnh nóng và gửi qua mạng xã hội cho em Hoa xem. Sau đó, cha mẹ em Hoa kiểm tra điện thoại của con, tình cờ phát hiện đoạn clip trên nên trình báo công an.
Theo nghiên cứu của Unicef, trẻ em không được trang bị những kỹ năng phòng vệ cần thiết rất dễ bị xâm hại tình dục. Thủ phạm có thể là bất cứ ai và thuộc mọi tầng lớp: người quen biết, hàng xóm, cán bộ có chức quyền, thậm chí là cả thầy giáo và người thân của bé. Nạn nhân không chỉ là các bé gái, mà bé trai cũng là đối tượng mà những kẻ bệnh hoạn nhắm đến. Và pháp luật cũng chỉ khép tội được một phần nhỏ những kẻ mất nhân tính này. Trong khi đó, nỗi đau về thể xác và tinh thần mà các bé phải chịu rất khó xoá mờ.
Từ những sự việc đau lòng về việc xâm hại tình dục trẻ em, ông Lương Dũng Nhân, Phó Giám đốc Đào tạo, Huấn luyện - Trung tâm đào tạo Tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương A.T.Y đã chia sẻ trên báo chí về những tổn thương tâm lý mà trẻ phải chịu đựng. Theo ông Nhân, những trẻ em từng bị dâm ô, bên cạnh tổn thương về cơ thể sẽ có những diễn biến tâm lý phức tạp và nguy hiểm, nhẹ thì nạn nhân sẽ có những nỗi sợ, ám ảnh, những kích động khi gặp phải điều kích thích, gợi về các ký ức trên. Còn nặng hơn sẽ có những sang chấn tâm lý khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, đánh mất giá trị bản thân, mất niềm tin vào cuộc sống và mọi người xung quanh, thậm chí là trốn tránh tiếp xúc xã hội, trở nên trầm cảm. Những hiệu ứng này nếu không được can thiệp, hỗ trợ kịp thời có thể sẽ chuyển thành vấn đề tâm lý lâu dài, ảnh hưởng đến cuộc sống trưởng thành sau này của nạn nhân.
Theo ông Nhân, để giúp trẻ phòng tránh “yêu râu xanh”, tốt nhất là giúp trẻ biết được những hành động nào gây hại cho mình, và giúp trẻ có thói quen kể lại cho ba mẹ, người thân ngay lập tức. Vì với những trẻ quá nhỏ, việc tự phòng vệ trước những “yêu râu xanh trưởng thành” là điều hầu như hoàn toàn không thể. Những vụ việc đã diễn ra cho thấy một xu hướng tâm lý chung là, trẻ sau khi bị lạm dụng đều bị kẻ xấu đe dọa, không dám kể lại cho ai, từ đó tạo điều kiện cho kẻ xấu tiếp tục hành vi tội lỗi của mình.
Cha mẹ cần tạo mối quan hệ thân thiết, gần gũi với con; thường xuyên hỏi han, tâm sự cùng nhau, tạo cho con có thói quen kể hết mọi chuyện cho bố mẹ nghe. Cha mẹ cũng cần trò chuyện, nắm bắt cuộc sống hàng ngày của con ở trường, ở các nơi và cảm nhận được những dấu hiệu lạ về cơ thể, tâm lý, ứng xử của con để nhận biết vấn đề một cách sớm nhất và xử lý, hỗ trợ trẻ kịp thời. Cha mẹ cũng cần nắm rõ lịch sinh hoạt của bé như bé đi học mấy giờ về, đi chơi ở đâu, nhà ai, thời gian bao lâu.
Mời quý độ giả theo đõi video: Xâm hại tình dục trẻ em - tội ác cần nghiêm trị
Trang bị cho bé những kiến thức cơ bản phòng tránh bị xâm hại, phù hợp với độ tuổi và khả năng nhận thức của bé, như:
Không được để ai vuốt ve, sờ soạng, ôm hôn... dù đó là người lạ hay người bé quen thân, quý mến. Căn dặn bé không cho bất kỳ người tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với con.
Sang nhà hàng xóm chỉ chơi ở ngoài phòng khách, không vào phòng riêng. Không ở trong phòng kín một mình với người lạ. Ngay cả khi đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở. Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.
Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ. Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng đồ ăn uống của người lạ đưa. Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.
Tuyệt đối không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.
Khi bị ai đe doạ đánh mắng, phải kể cho bố mẹ nghe. Giải thích cho bé hiểu rằng, bạn có thể giúp bé vượt qua mọi rắc rối, bé không phải lo sợ điều gì khi có bạn bên cạnh.
Luôn quan sát và chăm sóc bé. Khi nhận thấy bé có biểu hiện khác thường, hãy khéo léo dò hỏi, tránh làm bé hoảng sợ. Trong trường hợp nghi ngờ bé có dấu hiệu bị tổn thương, bạn cần đưa bé đi khám sức khoẻ và làm xét nghiệm ngay tức khắc.
Đối với trẻ lớn hơn một chút, cần tập cho trẻ thói quen phản kháng, cầu cứu tức thời khi có điều xấu xảy đến với mình. Những hành động này cần được rèn luyện, nhắc lại thường xuyên để giúp trẻ hình thành phản xạ, chứ không phải chỉ dạy một hai lần là trẻ có thể thực hiện được khi có tình huống không may xảy ra.
Không mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân họ hàng.
Tin vào linh tính của bản thân khi thấy điều gì không bình thường cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát ra khỏi tình huống đó.
Trẻ bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần hết sức nhẹ nhàng dạy bảo, khuyên nhủ để con hiểu rằng cần phải biết bảo vệ bản thân, chăm sóc sức khỏe sinh sản và giữ gìn nhân cách. Sự quan tâm của cha mẹ sẽ giúp con đủ kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh để phát hiện, tránh xa sự dụ dỗ và những cái bẫy mà “yêu râu xanh” giăng ra.