Sự việc cậu ruột xâm hại cháu gái là bé L 14 tuổi, dẫn đến có thai 5 tháng gây phẫn nộ dư luận.
Chia sẻ trên Kinh tế đô thị, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, khuyến cáo phụ huynh thay đổi những thói quen có thể là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị xâm hại. Chẳng hạn như cho người quen đến nhà nghỉ lại qua đêm; cho phép con quá gần gũi, thân thiết với người khác; không dạy con phòng tránh bị xâm hại. Không ít phụ huynh lại coi việc giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em là của nhà trường hoặc người khác chứ không phải trách nhiệm của bản thân.
|
Nếu các con có kỹ năng ứng xử kín đáo, an toàn thì có thể phòng tránh các vụ xâm hại lên tới 70 - 80%. Ảnh:Internet. |
Theo TS Vũ Thu Hương, trẻ em có thể tự vệ kém hơn người lớn nhưng nếu các con có kỹ năng ứng xử kín đáo, an toàn thì có thể phòng tránh các vụ xâm hại lên tới 70 - 80%. Chúng ta cần lưu ý: Trẻ nhỏ ăn mặc hớ hênh, sẵn sàng ngồi lên lòng tất cả mọi người, cho người khác động chạm vào vùng kín của mình hoặc nhận quà, hoặc đi chơi với người khác... thì dễ bị xâm hại hơn. Vì thế, việc đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến phòng trước khi nghĩ đến chống xâm hại.
Ngay từ lứa tuổi lên 3, chắc chắn các con có thể học được một vài quy tắc đơn giản để giữ an toàn cho chính mình. Phụ huynh có thể bắt đầu dạy con phòng tránh XHTD theo khả năng tiếp nhận của trẻ với các nội dung: Khi con muốn đi đâu ra khỏi nhà cần phải xin phép người lớn. Cha mẹ nhờ ai đón con hộ cần có “mật mã” để trao đổi với trẻ, để tránh bị bắt cóc. Bố mẹ dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ. Nếu có ai đó ngỏ ý nhờ giúp đỡ, trẻ phải chạy đi báo công an, cảnh sát vì bản thân không đủ khả năng làm việc này. Phụ huynh cũng lưu ý các con học thuộc số điện thoại của người thân. Khi đi chơi, trẻ nên đi cùng nhóm 3 - 4 người, không đi một mình khi trời tối...
Bố mẹ luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động chạm vào phần kín của mình. Trong trường hợp khi thấy ai đó khả nghi đi theo, các con lập tức chạy về phía chú công an nhờ đưa về nhà. Nếu không có chú công an, con chọn một bác phụ nữ già nhất ở gần đó, trông dáng vẻ như đang đi chợ về để hỏi han; lúc đó kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi. Khi trẻ bị ai đó bắt thì hét lên sau đó vùng bỏ chạy.
|
Bố mẹ luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động chạm vào phần kín của mình. Ảnh: Internet. |
Chúng ta cũng nên dạy trẻ cách nói chuyện với bố mẹ, người thân khi bị xâm hại. Trẻ em biết rõ thủ phạm xâm hại mình là ai. Nhưng vì nhiều lý do, trẻ thường giữ im lặng về việc bị xâm hại. Nói với trẻ rằng con sẽ không gặp phải bất kỳ rắc rối gì nói chuyện với bạn, và hãy làm theo lời hứa này, tránh trừng phạt vì những điều con lên tiếng. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết. Một điều rất hiệu quả trong việc để con thông báo tình huống của mình chính là tạo ra ám hiệu riêng giữa mình và trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ em cảm thấy an tâm hơn khi đối tượng là những người thân thuộc và thường xuất hiện ở nhà của trẻ.
Ngoài việc để trẻ nói ra khi bị xâm hại, cha mẹ nên chú ý đến biểu hiện của trẻ, ví dụ như đột nhiên hoảng sợ khi ai đó chạm vào người, không thích tiếp xúc hay tránh xa những người mà trước đây bé rất quý mến,…chú ý đến hành vi sẽ giúp bố mẹ và nhà trường nhanh chóng phát hiện ra tình huống mà trẻ gặp phải.
Nói cho trẻ biết nguy hiểm có thể đến từ những người quen biết: Hàng xóm, người thân, trường học,… hay những người bé yêu quý và tin tưởng. Người Việt thường có thói quen cấu, véo hay sờ những vùng nhạy cảm của trẻ và cho đó chỉ là một hành động bình thường, thế hiện tình yêu thương. Tuy nhiên, đó là một dạng xâm hại trẻ em và có thể khiến trẻ tưởng lầm đó là cách thể hiện tình yêu thương và không nhận ra sự nguy hiểm. Cha mẹ cần kiểm soát ngay những hành động đó và dặn con thông báo nếu có bất kỳ ai thực hiện động chạm như vậy.