Cách đây 2 năm, bà được chẩn đoán là ung thư vú giai đoạn sớm nhưng nghĩ bị ung thư thì không nên đụng dao kéo, bà từ chối phẫu thuật và về uống thuốc Nam cho “lành”. Nhưng kết quả, lành đâu không thấy mà chỉ thấy khối u ở giữa vú trái và nách sưng to như quả cam sành, như một người phụ nữ có 3 vú. Toàn bộ phần da thịt khu vực vú trái và cánh tay trái bị xơ cứng, gây đau nhức, chảy máu, mủ, mùi như chuột chết. Cuối cùng bà cũng phải tìm đến bệnh viện nhưng đã vào giai đoạn trễ, rất khó để bác sĩ chữa lành bệnh.
Mặc cảm số phận
Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Th. (53 tuổi, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), hiện là bệnh nhân của Khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Bà Th. cho biết: Bây giờ ngẫm lại thấy mình dại quá, nếu như hồi mới phát hiện bệnh, bác sĩ kêu mổ, mình nghe lời thì chắc không đến nỗi khổ sở và đau nhức như thế này.
|
Bác sĩ đang khám cho bà Nguyễn Thị Th. |
Bà Th. cho biết: “Tôi ở nhà làm nội trợ, lại bị hiếm muộn nên khi biết mình bị bệnh ung thư vú khoảng đầu năm 2013 tôi mặc cảm với số phận trớ trêu của mình nhiều lắm. Đã bị hiếm muộn, tốn tiền điều trị nhiều nơi nhưng vẫn không thành công, vậy mà ông trời vẫn không tha cho tôi, để tôi bị ung thư vú. Tôi cho rằng số phận mình không may mắn, luôn mang trong mình xui xẻo cho bản thân và cho gia đình. Tôi không có nhiều tiền, không có việc làm, tất cả phụ thuộc vào chồng nên không muốn thêm gánh nặng cho anh ấy. Tôi đã suy sụp tinh thần hoàn toàn. Tôi thật sự không thể hiểu tại sao ông trời lại quá bất công với như vậy”.
Theo Bà Th., sau một thời gian nguôi ngoai với cú sốc tâm lý ung thư vú thì chị đã đi uống thuốc Nam ở rất nhiều nơi, nghe nói ở đâu có thầy chữa hay thì bà đều tìm đến. Có chỗ miễn phí, tùy tâm bỏ vào thùng phước thiện, có chỗ tính tiền. Đa số là uống thuốc thang ngày 2 lần, mỗi ngày 1 thang, cũng có chỗ uống thuốc viên. Nhưng kết quả là... phải về Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
|
Cận cảnh khối u của bà Nguyễn Thị Th. |
Giá như thời gian có thể… quay trở lại
Bà Th. tâm sự: “Giá như thời gian có thể quay trở lại, tôi sẽ nghe lời bác sĩ chứ không bỏ điều trị để theo cách chữa không khoa học. Buồn nhất, là khi bệnh phát nặng, chồng tôi mới biết và ông ấy đã khóc khiến tôi thấy mình càng đáng trách hơn. Vì sự nông cạn, không suy nghĩ thấu đáo, chỉ biết than trách trời đất và âm thầm chịu đựng, giấu chồng mà tôi đã quên đi sự hy sinh của chồng trong suốt hơn 20 năm chung sống. Tôi không sinh con được, chỉ ở nhà nội trợ nhưng ông ấy không bao giờ hắt hủi tôi, nặng lời với tôi. Chỉ là tôi tự mặc cảm bản thân, tự xa lánh chứ không chia sẻ cho ông ấy biết”.
Khi bà Th. xuống TPHCM để chữa bệnh như bây giờ là do sự động viên tinh thần của chồng. Ông Vũ Minh Ph. – chồng bà Th. cho biết: “Tôi đi làm phụ hồ suốt cả ngày, đến tối về nhà ăn cơm và nói dăm ba câu chuyện rồi đi ngủ nên cũng không để ý đến bệnh tật của vợ và cũng không nghe bà than thở gì về bệnh tật cả. Thấy bà sắc thuốc uống thì tôi có hỏi, bà bệnh gì mà uống thuốc thang? Bà chỉ nói là đau nhức trong người nên uống thuốc Nam cho nó mát. Tôi cũng tin lời bà chớ không dè vợ tôi lại bị bệnh nặng như vậy. Tôi mà biết bà bịnh như vậy là đưa bà đi nhà thương ngay. Ung thư là trọng bệnh rồi thì phải đi bác sĩ chớ, đi thuốc Nam sao mà khỏi được. Chỉ đến khi bà cởi áo khoác, tình cờ tôi nhìn thấy khối u to tròn lòi ra mới tá hỏa hỏi bà thì bà mới khai ra bệnh. Tôi nhìn thấy thất kinh vì bỗng dưng vợ mình có đến 3 cái “vú” và có mùi hôi thối như... mùi chuột chết. Lúc đó, vợ tôi đã bị sụt đi 3kg”.
|
Điều dưỡng đang vệ sinh khối u cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối do đắp lá cây. |
Vậy là ông Ph. bỏ công việc đưa vợ xuống Sài Gòn để chữa bệnh. Ông Ph. cho biết thêm, lúc bác sĩ khám bệnh phát hiện ra bệnh của vợ ông là cho nhập Khoa Ngoại 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM để các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ vú và nạo hạch nhưng bây giờ bệnh của vợ tôi nặng quá rồi, di căn khắp nơi nên các bác sĩ ngoại khoa không thể phẫu thuật can thiệp được mà sau khi làm các xét nghiệm, chụp CT, MRI, siêu âm... thì chuyển qua khoa Nội 4 để hóa trị hỗ trợ.
BSCK II Trần Nguyên Hà, Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, bà Th. bị ung thư vú giai đoạn cuối (T4dN3CM1) bướu vú trái lớn, xâm nhiễm da viêm đỏ, có ổ tụ dịch khoảng 3cm. Với trường hợp này thì không thể phẫu thuật can thiệp mà chỉ hóa trị hỗ trợ và tiên lượng không được tốt. Hiện tại, các bác sĩ vừa cho bệnh nhân dùng thuốc để khống chế khối u di căn, vệ sinh và dẫn lưu dịch cho khối u nhiễm trùng này. Những bệnh nhân ở giai đoạn muộn thì các khối u phát triển nhanh, hoại tử và có mùi rất khó chịu.
Bà Th. nghẹn ngào chia sẻ: “Cô ơi! Cô nên viết những câu chuyện sai lầm của tôi và của nhiều bệnh nhân giống như tôi lên phương tiện truyền thông để cảnh báo cho những người bệnh khác khi bị bệnh thì nên đến bệnh viện khám và điều trị theo y lệnh của thầy thuốc. Đừng mặc cảm bản thân, hay sợ đụng dao kéo mà để mất đi cơ hội chữa khỏi bệnh tật của mình. Giá như tôi không tự ti, mặc cảm thì tôi đã chữa khỏi bệnh sớm và có thể sống và chăm sóc chồng tôi đến hết cuộc đời. Bây giờ, thì đã quá muộn đối với tôi. Nhưng tôi vẫn cố điều trị với hy vọng mong manh. Mong rằng, những ai bị bệnh ung thư thì đừng sợ sệt, mặc cảm hay tự ti như tôi mà hãy đến với bác sĩ chuyên khoa điều trị bệnh không nên theo những toa thuốc bên ngoài”.
Gánh nặng ung thư vú tại Việt Nam
Tại TPHCM, xuất độ ung thư vú nằm trong 5 nhóm bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ và gia tăng đáng kể ở độ tuổi trung niên. Điều đáng chú ý là phần lớn bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn do thiếu kiến thức y học hoặc trở ngại về tâm lý xã hội. Mặc dù các phương tiện truyền thông rất nỗ lực đề cập đến việc phát hiện sớm ung thư vú nhưng nhiều phụ nữ lại đánh giá không đúng khi phát hiện những thay đổi bất thường trong vú: Phủ nhận, phớt lờ và âm thầm chịu đựng mong bệnh sẽ qua đi, sợ đánh mất các mối quan hệ, tình cảm khi biết mình bị ung thư, sợ hoặc ngại điều trị do lo sợ mất vú hoặc ngại phải để lộ cơ thể khi điều trị, không tự quyết định được hướng giải quyết, nghe theo cách không đúng của người khác. Tìm cách “trị” bằng các phương pháp phản khoa học càng khiến bệnh tiến triển nhanh hơn (như đắp lá, rút mủ, lấy “cùi”).
Trong khi đó, việc chẩn đoán và điều trị ung thư vú đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Ngày nay có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư vú được phát triển và mang lại nhiều hy vọng cho cuộc chiến chống ung thư. Kết quả là số phụ nữ tử vong do ung thư vú ngày càng giảm. Các biện pháp điều trị hiện đại đang không ngừng được phát triển, khiến cho ung thư vú ngày càng được xem là loại ung thư có thể chữa khỏi. Vấn đề bây giờ là tùy thuộc vào bạn, vào việc bệnh của bạn có được phát hiện ở giai đoạn sớm và bạn có được một liệu trình điều trị phù hợp hay không. Một phương pháp điều trị tốt phải có sự hợp tác, thông hiểu gữa bác sĩ và bệnh nhân.
BSCK II Trần Nguyên Hà (Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM)