Ngày 13/2, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế cho biết, các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng vừa phát hiện một loài thực vật (hoa) chưa từng thấy ở Việt Nam tại Khu bảo tồn Phong Điền (huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế), gần sông Rào Trăng.
|
Loài hoa mới được phát hiện lần đầu tiên tại khu vực rừng núi TT-Huế. Ảnh: Đinh Diễn |
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế, loài hoa mới này được phát hiện và mô tả thuộc chi Mỹ nhụy, được đặt tên cho những người đầu tiên phát hiện là Deinostigma serratum F.Wen, L.N.Tuan & D.Dien, thuộc họ Tai voi (Gesneriaceae).
Khác với tất cả các loài Deinostigma có rìa tràng hoa hình răng cưa, loài này lại có phiến lá rộng hơn, các rìa, cuống ngắn và kích thước tràng hoa nhỏ hơn…
Deinostigma serratum được phát hiện mọc trên vách đá ẩm ướt, quanh các thác nước và bờ suối thuộc khu vực rừng núi gần sông Rào Trăng (Khu Bảo tồn Phong Điền, huyện Phong Điền). Đây là một loài có hoa đẹp, cần được bảo tồn, tạo cảnh quan đẹp cho khu vực.
|
Loài hoa mới được phát hiện này được đánh giá là loài sắp nguy cấp (VU,D2) theo tiêu chí Sách đỏ của IUCN, nên cần được quan tâm bảo vệ. Ảnh: Đinh Diễn |
Theo số liệu nghiên cứu, điều tra thực địa, loài này được xem sắp nguy cấp (VU,D2) theo tiêu chí Sách đỏ của IUCN, nên cần được quan tâm bảo vệ.
Loài hoa mới được phát hiện này thuộc chương trình Dự án BCC-GEF tỉnh TT-Huế, do những người phát hiện là ông Lê Ngọc Tuấn (nguyên Giám đốc Khu bảo tồn Phong Điền) cùng các cộng sự từ Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung, Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế và Viện Thực vật học Quảng Tây.
Ông Tuấn cho biết thêm, chi Deinostigma là một chi đặc hữu của Việt Nam với 8 loài đã được công nhận trước đó. Loài Deinostigma serratum F.Wen, L.N.Tuan & D.Dien được đặt tên theo đặc điểm viền thùy tràng hoa có răng cưa, khác biệt với tất cả các loài còn lại.
Mỹ nhụy răng cưa là loài thứ 9 trên thế giới và củng cố thêm dẫn liệu cho tính đặc hữu của chi này ở Việt Nam (có 6 loài đặc hữu tại Việt Nam, tính cả loài mới).
Kết quả nghiên cứu này cũng vừa được công bố trên Tạp chí chuyên ngành Taiwania 67(1): 115‒118, 2022 (Doi: DOI: 10.6165/tai.2022.67.115). Hiện mẫu chuẩn loài hoa này đang được lưu ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam(VNMN).