Mẹ em Th. kể em sốt liên tục 5 ngày, đi khám ở trạm y tế xã mỗi ngày, thử máu và uống thuốc nhưng không hết, tới chừng sáng ngày thứ năm của bệnh thì em khó chịu quá nên gia đình đưa vô bệnh viện.
Bác sĩ khám thấy em có dấu hiệu lừ đừ, da mặt đỏ vì sung huyết, gan hơi sưng, thử máu kết quả máu bị cô đặc, tiểu cầu giảm, bác sĩ chẩn đoán là sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, nên cho truyền nước.
Trước khi truyền nước, bác sĩ tính lại cân nặng chuẩn của em vì thấy em quá dư cân. Em mới 12 tuổi, cân nặng 56kg, cao 1,3m, nên chỉ số khối cơ thể (BMI) của em lên tới 33. Với chỉ số này em được xếp loại béo phì, nên bác sĩ phải tính lại cân nặng chuẩn để truyền nước biển.
|
Ảnh minh họa. |
Sau hai ngày điều trị, em qua khỏi tình trạng nguy hiểm.
Khi trẻ béo phì bị bệnh sốt xuất huyết thì việc điều trị sốt xuất huyết sẽ phức tạp hơn. Tỉ lệ sốc do sốt xuất huyết ở trẻ có cân nặng bình thường là 4,6% thì ở trẻ béo phì lên đến gần 15%.
Nguyên nhân là do trẻ béo phì bị rối loạn về nhiều mặt như rối loạn chuyển hóa mỡ, đạm, đường, điện giải, rối loạn nhịp thở, rối loạn miễn dịch...
Ở bệnh nhân sốt xuất huyết dư cân, béo phì, thầy thuốc sẽ gặp không ít khó khăn trong vấn đề theo dõi, bù dịch so với trẻ có cân nặng bình thường.
Trong khi đó, để phòng ngừa sốt xuất huyết bà con mình cần tăng cường diệt muỗi, diệt lăng quăng và ngừa muỗi đốt.
Ở những ngày đầu khởi phát bệnh, các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết Dengue rất khó phân biệt với các bệnh lý khác cũng gây sốt ở trẻ như tay chân miệng, sốt phát ban, cảm... Do đó, khi thấy trẻ sốt cao từ hai ngày trở đi, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm phát hiện sớm. Mặt khác chúng ta phải chú ý đến dinh dưỡng của trẻ để trẻ không bị dư cân, béo phì.