Sầu riêng được biết đến như một loại quả có tác dụng bồi bổ cơ thể và chữa bệnh. Trong Đông y, cơm sầu riêng vị ngọt, bùi, mùi đặc biệt, chủ trị chữa cảm sốt, viêm gan vàng da.
Loại quả này còn được mệnh danh là "vua của các loại trái cây". Dân gian Trung Quốc thậm chí còn ví "một quả sầu riêng bằng ba con gà". Ý muốn nói rằng giá trị dinh dưỡng của một quả sầu riêng còn bổ dưỡng gấp ba lần thịt gà.
Theo bác sĩ Shang Yun (công tác tại một bệnh viện tại Sơn Đông, Trung Quốc): Cách ví sầu riêng bổ gấp nhiều lần thịt gà là cách nói có phần phóng đại. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng sầu riêng là thứ quả dồi dào chất béo, vitamin, khoáng chất...
Cụ thể: Cứ 100 gam múi sầu riêng chứa khoảng 27 gam carbohydrate. Sầu riêng chứa nhiều chất béo nhưng phần lớn là axit béo không bão hòa đơn. Cứ 100 gam múi sầu riêng chứa khoảng 2 gam chất béo. Sầu riêng còn rất giàu protein, 100g múi sầu riêng chứa khoảng 2,2g protein. Loại quả này cũng rất giàu chất xơ, có thể thúc đẩy nhu động ruột và bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể.
Bên cạnh đó, sầu riêng còn giàu vitamin C, B1, B2, B3, B6, kali, magie, sắt, mangan và các khoáng chất khác, có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt.
7 nhóm người này cũng không nên ăn nhiều
1. Người béo phì: Sầu riêng nhiều đường, giàu năng lượng vì thế những ai bị béo phì, thừa cân, người đang điều trị bệnh tiểu đường thì không nên ăn vì sẽ làm tình trạng thêm phức tạp.
2. Người đang có vấn đề về thận, về tim: Những người này không nên ăn sầu riêng vì đây là loại quả chứa hàm lượng kali cao, có thể khiến chất kali bị ứ đọng trong cơ thể, làm tim loạn nhịp, gây suy thận.
3. Người có chức năng tiêu hóa kém: Sầu riêng chứa nhiều chất béo và xenluloza, càng dễ gây kích ứng dạ dày, sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, gây tiêu chảy và các triệu chứng khó chịu khác. Vì vậy, những người mắc bệnh dạ dày và đường ruột kém nên ăn điều độ hoặc nên tránh.
4. Có thể chất dị ứng: Sầu riêng có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người như đỏ da, nổi mẩn đỏ, thậm chí có các triệu chứng nghiêm trọng như phù thanh quản, khó thở. Do đó nếu có cơ địa dễ dị ứng, bạn nên thận trọng khi ăn chúng/
5. Người đang uống thuốc: Trong sầu riêng có chứa một số thành phần đặc biệt, chẳng hạn như một số chất kiềm, sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ và chuyển hóa của thuốc. Từ đó, có thể gây ra phản ứng phụ của thuốc.
6. Người mắc bệnh tiểu đường: Sầu riêng có hàm lượng đường cao, không có lợi cho việc kiểm soát đường huyết của bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
7. Những người bị nóng trong: Những người này không nên ăn sầu riêng vì khi ăn sẽ càng khiến cơ thể bốc hỏa, khó chịu, mất ngủ.
Nên ăn sầu riêng như thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Theo bác sĩ Shang Yun, sầu riêng là loại trái cây có hàm lượng calo cao, nhiều đường, chất béo cao nên lượng tiêu thụ nên được kiểm soát. Nhìn chung mỗi lần không nên ăn quá 200 gam sầu riêng.
Ngoài ra, nên ăn kèm với các loại trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt,… để tăng lượng chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Tuy nhiên, không được ăn kèm sầu riêng cùng những loại quả tính nóng như nhãn, vải vì sẽ khiến cơ thể thêm khó chịu, bốc hỏa, tăng huyết áp.
Để không tăng cân sau khi ăn sầu riêng, mọi người nên vận động tích cực để tiêu hóa hết phần năng lượng mà mình vừa tiêu thụ chứ không nên ngồi một chỗ hoặc đi ngủ ngay lập tức. Đồng thời, đã ăn sầu riêng thì nên giảm bớt khẩu phần ăn trong bữa chính lại.
Ăn sầu riêng đúng cách có lợi ích gì cho sức khỏe?
1. Giúp bổ sung năng lượng: Sầu riêng có hàm lượng calo cao, khoảng 140 calo/100 gam múi sầu, do đó ăn điều độ có thể giúp bổ sung năng lượng.
2. Giúp nâng cao khả năng miễn dịch: Sầu riêng giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa khác, giúp nâng cao khả năng miễn dịch.
3. Giúp bổ sung dinh dưỡng: Sầu riêng không chỉ chứa các chất dinh dưỡng cơ bản như carbohydrate, protein và chất béo mà còn rất giàu vitamin và khoáng chất, có thể cung cấp dinh dưỡng toàn diện cho cơ thể.
4. Giúp thúc đẩy nhu động ruột: Sầu riêng rất giàu chất xơ, có thể giúp thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón.