Thời gian theo dõi phản ứng sau tiêm
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 17/8 có 395.979 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm trên toàn quốc là 15.518.869 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.032.444 liều, tiêm mũi 2 là 1.486.425 liều.
TS. BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho hay, tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 đang là một trong những giải pháp trọng tâm phòng chống dịch bệnh ở nước ta. Tiêm chủng là một cách thức nhằm giúp con người tạo ra khả năng đáp ứng miễn dịch chống lại bệnh truyền nhiễm.
Vắc xin sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể không bị lây nhiễm bởi virus SARS-CoV-2 hoặc không bị bệnh COVID-19.
Trong thời điểm đại dịch, mục tiêu của vắc xin COVID-19 còn là giúp giảm số ca bệnh nặng, giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong. Đây cũng chính là ý nghĩa qua trọng do vắc xin mang lại cho con người.
Theo bác sĩ Luân vắc xin phòng COVID-19 gồm có thành phần kháng nguyên và các chất bổ trợ để tăng đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Các chất bổ trợ thêm vào vắc xin có thể gây ra tác dụng phụ khác nhau cho từng cá thể.
Thông thường các phản ứng nặng sau tiêm vắc xin COVID-19 sẽ xảy ra trong vòng từ 15-30 phút sau tiêm chiếm khoảng 70-80% các trường hợp. Tuy nhiên, có khoảng 20-30% gặp phản vệ trong thời gian theo dõi sau tiêm trên.
Có những nghiên cứu cho thấy một số phản vệ muộn có thể gặp trong 4-8 tiếng sau khi tiêm vắc xin. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy phản vệ xảy ra sau gần 20 tiếng sau tiêm.
Để đảm bảo an toàn sau tiêm TS Luân lưu ý: "Cần phải theo dõi 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm để phòng ngày các phản ứng nghiêm trọng. Khi về nhà vẫn phải tiếp tục theo dõi 3 ngày với phản ứng phản vệ nặng; 7 ngày với những phản ứng thông thường xảy ra sau tiêm: sốt, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi và 28 ngày với những phản ứng hiếm gặp".
Không có vắc xin an toàn 100%
Trước câu hỏi liệu có vắc xin an toàn 100% hay không, bác sĩ Luân cho rằng, không có vắc xin an toàn 100%.
Đối với vắc xin COVID-19 thời gian trước đây nhiều người e ngại do là vắc xin mới. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai tiêm chủng mở rộng đã chứng minh được tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
Dù vắc xin COVID-19 được đưa vào khẩn cấp nhưng cũng phải đảm bảo nguyên tắc sản xuất ra một loại vắc xin. Các nhà nghiên cứu cũng phải tạo ra một loại kháng nguyên phù hợp, sau đó tới bước thử nghiệm trên động vật. Và tiếp sau đó là 3 giai đoạn lâm sàng thử nghiệm trên người, sau đó mới được hội đồng đạo đức phê duyệt.
Bác sĩ Luân giải thích: "Khi chúng ta đưa 1 chất lạ vào cơ thể, cơ thể sẽ phản ứng để tạo nên miễn dịch. Tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng người với kháng nguyên đó cho chất bổ trợ, phụ gia, tăng đáp ứng miễn dịch nên mức độ phản ứng của mỗi người là khác nhau. Do vậy chúng ta không thể biết được ai tiêm vắc xin sẽ an toàn. Cho nên chỉ tiêm vắc xin vào cơ thể mới biết có bị phản ứng hay không?
Tỷ lệ xảy ra phản ứng sau tiêm vắc xin cũng giống như chúng ta uống 1 viên thuốc, ăn một loại thức ăn vẫn có thể xảy ra phản ứng của cơ thể".
Bác sĩ Huy Luân phân tích thêm, khi con người bị dị ứng chỉ bị dị ứng 1 chất nào đó. Cho nên chỉ không tiêm vắc xin COVID-19 nếu dị ứng với thanh phần của vắc xin. Theo thống kê, người dị ứng khi tiêm vắc xin nguy cơ gặp sốc phản vệ cũng tương tự như các trường hợp tiêm khác. Nhóm dị ứng sẽ được xếp vào nhóm thận trọng khi tiêm chủng.