Sau hơn 7 năm học, bác sĩ trẻ thu nhập chưa đến 5 triệu đồng

Google News

Mặc dù xếp "thu nhập" là một trong những nguyên nhân cho việc chuyển dịch nhân lực từ công sang tư nhưng Bộ Y tế vẫn cho rằng đây không phải là yếu tố ảnh hưởng tiên quyết.

Trước khi cuộc họp báo cung cấp thông tin y tế quý 1 vừa diễn ra vào ngày 24/3, VietNamNet gửi câu hỏi tới Bộ Y tế về làn sóng dịch chuyển nhân lực từ y tế công sang tư, cập nhật số lượng, nguyên nhân, giải pháp. Liên quan vấn đề này, Bộ Y tế chia sẻ nhiều thông tin.
Hiệu quả hoạt động của y tế công chưa cao, thầy thuốc bỏ ra tư nhân
Bộ Y tế cho hay trong 5 năm trở lại đây, quá trình xã hội hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều đơn vị y tế tư nhân, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nhân lực y tế, nhất là người có chuyên môn cao. Khi tìm được cơ hội đáp ứng mong mỏi, ho sẽ dịch chuyển sang tư nhân.
Theo một báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có gần 9.700 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có hơn 3.000 bác sĩ, gần 2.900 điều dưỡng).
Nhận định về nguyên nhân, Bộ Y tế thẳng thắn cho rằng do một số đơn vị sự nghiệp y tế công lập hoạt động hiệu quả chưa cao, khiến một số nhân lực y tế không làm được như kỳ vọng.
Sau hon 7 nam hoc, bac si tre thu nhap chua den 5 trieu dong
Một thầy thuốc Bệnh viện K trong ca trực đêm. Ảnh: Thạch Thảo. 
"Việc dịch chuyển nhân lực y tế từ khu vực công sang khu vực tư diễn ra khá tự nhiên, phổ biến ở các thành phố, đô thị lớn. Ranh giới công, tư dần không còn rõ nét", Bộ Y tế nhận định.
Cơ quan này cũng cho rằng xu hướng cạnh tranh trong thu hút nhân tài giữa khu vực y tế tư nhân - công lập ngày càng gay gắt. Bệnh viện có nhiều bác sĩ làm toàn thời gian có bề dày kinh nghiệm, danh tiếng, bệnh viện càng uy tín càng thu hút người đến khám chữa bệnh. Yếu tố khiến nhân lực y tế gắn bó với tổ chức là tầm nhìn của cấp quản lý, của lãnh đạo; sự rõ ràng trong định hướng phát triển tổ chức, định hướng phát triển cá nhân và văn hóa trao quyền.
"Tất cả những yếu tố trên, khối tư sẽ làm tốt hơn khu vực công", theo Bộ Y tế.
Cạnh tranh về thu nhập không phải là yếu tố ảnh hưởng tiên quyết
Phân tích chi tiết về nguyên nhân, ngoài áp lực công việc cao; ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị; dịch Covid-19; áp lực gia đình, người thân, xã hội, Bộ Y tế một lần nữa đề cập vấn đề "thu nhập" để lý giải cho hiện tượng này.
Sau 7,5 năm học và thực hành (học 6 năm và 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề) rất khó khăn, mức lương của một bác sĩ trẻ trong đơn vị công lập chưa đến 5 triệu đồng (đã bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề 40%), chưa trừ nộp BHYT, BHXH.
"Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, khó giữ chân cán bộ làm trong cơ sở y tế công lập. Mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5-6 lần", Bộ Y tế nêu rõ. Dù vậy, Bộ Y tế vẫn cho rằng "cạnh tranh về thu nhập không phải là yếu tố ảnh hưởng tiên quyết".
Ví dụ, một số nhân lực y tế cho rằng bộ máy các cơ quan, đơn vị công lập thường cồng kềnh, cách thức làm việc cứng nhắc, cơ chế đánh giá hiệu quả công việc chưa rõ ràng, năng lực, tâm huyết không được phát huy.
Một trong những giải pháp được Bộ Y tế đưa ra là đề nghị Chính phủ cho phép tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT; có chính sách chưa thực hiện giảm biên chế sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, cho phép tăng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, xã...
Theo Võ Thu/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)