Sau chuyện phụ nữ làm mẹ ở tuổi 70 tại Ấn Độ

Google News

Đằng sau niềm hạnh phúc lần đầu được làm mẹ của phụ nữ tuổi 70 tại Ấn Độ là cả một ngành công nghiệp thụ tinh ống nghiệm (IVF) với nhiều góc khuất.

Bệnh tật cho người mẹ lớn tuổi, tính mạng phải đánh đổi của những cô gái trẻ hiến trứng và cả tương lai dường như mịt mùng của những đứa trẻ ống nghiệm.
Nơi bác sĩ như những vị thánh
Ấn Độ có ca sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên vào khoảng 40 năm trước. Kể từ đó đến nay, ngành công nghiệp này đã bùng nổ với vô số phòng khám IVF mọc lên khắp nơi.
Các cặp vợ chồng ở mọi lứa tuổi tìm đến bác sĩ sinh sản với hy vọng xua tan sự kỳ thị về việc hiếm muộn tại đất nước đông dân nhất thế giới này. Tuy nhiên, việc không một luật lệ hay quy định nào giới hạn độ tuổi bệnh nhân đang là vấn đề tranh cãi lớn tại đây.
“Nếu đàn ông vẫn có thể có con ở tuổi 60 hoặc 70, tại sao phụ nữ lại không thể?” bác sĩ Anurag Bishnoi, thuộc Trung tâm sinh sản và thụ tinh ống nghiệm Quốc gia, thị trấn Hisar phía Bắc Ấn Độ, thắc mắc.
Sau chuyen phu nu lam me o tuoi 70 tai An Do
Trung tâm thụ tinh ống nghiệm của bác sỹ Anurag Bishnoi. 
Trung tâm sinh sản và thụ tinh ống nghiệm Quốc gia chính là nơi giúp tạo ra em bé cho một vài bà mẹ lớn tuổi nhất thế giới. Rajo Devi Lohan hạ sinh một em bé gái năm 2008, vào thời điểm bà 70 tuổi. Gần đây nhất là Daljinder Kaur, người vừa đạt được ước nguyện làm mẹ ở tuổi 72 vào tháng 4/2016 với sự ra đời của cậu con trai mang tên Armaan (trong tiếng Ấn có nghĩa là hy vọng).
Bác sĩ Bishnoi cũng tự hào đã giúp cho hơn 100 phụ nữ ngoài 50 tuổi có thể mang bầu. Bishnoi khẳng định, trước khi bắt đầu quy trình làm IVF, các bệnh nhân lớn tuổi phải vượt qua những bài kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt và ông không hề nhận thấy “bất kỳ nguy cơ đáng lo ngại nào ở đối tượng phụ nữ tầm tuổi trung niên trở lên”.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc giới hạn độ tuổi của bệnh nhân muốn làm IVF là việc khẩn thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ. “72 tuổi không phải là độ tuổi hợp lý để có em bé. Để cho một phụ nữ bằng tuổi ấy mang bầu là đẩy bà ta vào vòng nguy hiểm”, bác sĩ Narendra Malhotra, Chủ tịch Hiệp hội Hỗ trợ sinh sản Ấn Độ cho hay.
Ông Malhotra gay gắt chỉ trích rằng bác sĩ Bishnoi chỉ muốn “đóng vai một vị Thánh”. Theo Malhotra, kể cả khi khoa học có thể giúp người phụ nữ sinh nở được ở bất kỳ độ tuổi nào thì các bác sĩ vẫn nên cân nhắc vấn đề đạo đức trước mỗi trường hợp để không đẩy bệnh nhân và những đứa trẻ vào vòng nguy hiểm.
Những người vô hình
Trong khi các bà mẹ lớn tuổi trở thành tiêu điểm truyền thông thì một thành phần quan trọng khác thuộc ngành công nghiệp thụ tinh nhân tạo, những phụ nữ hiến trứng, lại hầu như bị quên lãng. Có thể nói, nếu không có sự tồn tại của họ, Ấn Độ sẽ không có những ca sinh phá kỷ lục thế giới như trên.
Theo tiết lộ của một đại lý trong ngành, họ dễ dàng “tuyển dụng” được rất nhiều người hiến trứng sau khi cam kết với các cô gái trẻ rằng quy trình làm IVF sẽ không gây ra bất kỳ biến chứng gì. Đó là chưa kể đến yếu tố quyết định – khoản thù lao đáng kể cho mỗi ca cho trứng.
“Nếu làm việc trong một nhà máy, họ (những phụ nữ hiến trứng) chẳng thể kiếm nổi 75 USD mỗi tháng nhưng chúng tôi có thể trả tới 525 USD cho một quá trình tiêm kích trứng khoảng 10 ngày”, Subhas Chandra, đại diện bên đại lý mua bán trứng chia sẻ cùng hãng thông tấn Al Jazeera.
Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ, cái giá thực sự của việc hiến trứng còn cao hơn nhiều, đôi khi đáng giá bằng cả tính mạng của họ. Tính đến nay đã có 2 trường hợp tại Ấn Độ được báo cáo tử vong vì hiến trứng.
Trường hợp đầu tiên là của cô gái trẻ Sushma Pandey tại Mumbai. Pandey mất năm 2010 khi mới 17 tuổi. Mặc dù theo quy định, người hiến trứng phải từ 18 tuổi trở lên nhưng không hề có bất kỳ một hình phạt về pháp luật nào được đưa ra với phòng khám nơi thực hiện phẫu thuật lấy trứng cho Pandey.
Câu chuyện thương tâm lặp lại vào năm 2014 với bà mẹ trẻ Yuma Sherpa, 24 tuổi tại Delhi. Vì muốn có thêm tiền chu cấp cho chồng và con gái nhỏ, Yuma, vốn đang làm việc cho một cửa hàng quần áo đã chấp nhận hiến trứng với giá 448USD. Cô mất ngay sau ca phẫu thuật lấy trứng.
Khám nghiệm tử thi cho thấy người phụ nữ trẻ bị quá kích buồng trứng, một hội chứng ẩn chứa nguy cơ gây tử vong khi bệnh nhân phải tiếp nhận liều thuốc kích thích tố cao nhằm sản sinh ra nhiều nang trứng.
Vikram Pradeep, luật sư của gia đình Sherpa cho hay nhiều phòng khám đã đẩy cuộc sống của những người phụ nữ hiến trứng vào chỗ nguy hiểm khi cố tình hút nhiều nang trứng hơn số lượng được khuyến cáo. Có trường hợp, người cho trứng lấy tới 50 nang trứng chỉ trong một lần phẫu thuật.
Thần linh sẽ bảo hộ những đứa trẻ
Làm mẹ ở độ tuổi mà hầu hết bạn bè đã trở thành bà, niềm khao khát có con ở những người phụ nữ lớn tuổi quá mạnh mẽ, lấn át cả nỗi lo ngại xác đáng về sức khỏe của chính họ.
Sau chuyen phu nu lam me o tuoi 70 tai An Do-Hinh-2
Bà Lohan già yếu, đầy bệnh tật sau khi sinh cậu con trai ở tuổi 72. 
Sau khi sinh con 8 năm về trước, Lohan được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Bà trải qua ba cuộc phẫu thuật để chữa lành buồng tử cung bị thủng và loại bỏ các khối u. Thêm nhiều đợt hóa trị khác và giờ đây Lohan phải chịu đựng chứng đau dạ dày kinh niên.
Bác sĩ điều trị cho Lohan tin rằng tình trạng sức khỏe hiện tại của bà là do quá trình điều trị vô sinh và thời gian mang bầu gây nên. Không riêng về thể chất, tinh thần của những người mẹ già nhất thế giới cũng trở nên mệt mỏi vì áp lực chăm sóc con nhỏ ở tuổi xế chiều.
“Tôi đã trải qua thời gian thực sự khó khăn… Có những lúc thằng bé khóc liên tục và không thể nào dỗ khiến tôi dễ dàng bị hoang mang”, bà mẹ 72 tuổi Daljinder Kaur chia sẻ.
Khi được hỏi ai sẽ là người chăm sóc cho cậu con trai nếu chẳng may bà hoặc chồng (79 tuổi) qua đời, Kaur cho hay: “Tôi không muốn đề cập đến chuyện này. Thần linh sẽ bảo hộ cho thằng bé”.
Mời quý độc giả xem video về mang thai hộ (nguồn VTV):
Theo Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)