Trời chiều, sương mù bao phủ trên dãy núi Ngọc Linh, xã Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam). Tại tiệm tạp hóa Năm Thương, nóc Tắk Long, thôn 3, hai phụ nữ ôm con gà bước vào quán. Một người tên Hồ Thị Nếu đặt con gà xuống đất nói: "Mình đem đổi lấy con gà khác về cúng, chứ con này lông màu trắng, không cúng được cái chết xấu".
|
Chị Hồ Thị Nếu đổi gà trắng lấy gà đen về làm lễ cúng đuổi ma. Ảnh: Sơn Thủy. |
Chị Nếu cho biết, hôm kia Hồ Văn Thá (16 tuổi) ở cùng nóc ăn lá ngón chết, nay làng làm lễ cúng chặn ma về làng. "Phải cúng gà đen, không được cúng gà trắng. Con này màu vàng pha vài cọng lông trắng, không được", chị Nếu nói.
Người chủ quán hỏi: "Sao không nuôi gà đen mà cúng lại nuôi gà trắng?". Chị Nếu cười nói: "Hắn đẻ ra mình có biết mô, mà nuôi rồi đi đổi cũng dễ mà".
Cuộc trao đổi tại quán rất sòng phẳng, con gà được đưa lên bàn cân, nếu trọng lượng thừa ra thì chủ quán trả thêm tiền cho người đổi, nếu thiếu người đổi sẽ bù thêm. Người dân không quan niệm gà ngon hay dở, chỉ chú ý đến màu lông.
Từ bao đời nay, người Xê Đăng quan niệm người "chết xấu" có thể bắt người sống. Họ sợ con ma về làng bắt một ai đó. Hôm Thá chết, dân làng giục gia chủ nhanh chóng đưa đi mai táng. Chưa cần cha mẹ Thá lo, anh em Thá cùng đám thanh niên đã kiếm chiếc chiếu quấn thi thể Thá và đưa vào rừng chôn. Xong việc, cả làng làm một lễ cúng chặn ma về tại đoạn đường cuối làng dẫn vào rừng.
Từ chiều, đám thanh niên chuẩn bị "đồ nghề" gồm hai cây đót to, chưa trổ bông. Mỗi cây để lại 5 lá, sau đó gấp ngắn lại thành hình cung. Cây đót buộc thêm hai lá cây rừng to bằng bàn tay và hai chùm cây cỏ. Khi trời sắp tối, họ cắm xuống con đường mòn và tổ chức lễ cúng. Lễ vật chỉ gồm con gà màu đen và rượu.
|
Để chuẩn bị lễ cúng chặn mà về, đám thanh niên lấy 2 cây đót cắm ở cuối đường dẫn của làng, nơi đưa người xấu số đi mai táng. Ảnh: Sơn Thủy. |
Một thanh niên cho biết những ai "chết xấu" làng không thương, chỉ quấn chiếc chiếu rồi đưa vào rừng mai táng. Chôn xong không ai quay lại đó nữa. Những người đưa đám khi về cũng không đi đường cũ mà tìm đường khác để về vì sợ con ma đi theo.
"Về đến làng, họ tổ chức lễ rào cổng làng để con ma không có đường tìm vào. Còn những ai không phải chết xấu, làng mua quan tài về mai táng đàng hoàng, không bịt đường làm gì", người này lý giải.
Khi xong các phần lễ, thầy cúng cầm con dao rựa để gần trán, miệng lẩm nhẩm bằng tiếng Xê Đăng. Lúc này, tất cả mọi người trong làng đuổi khách đi. Họ giải thích "làng mới có người chết nên người lạ không được vào. Các anh chụp hình cũng ít thôi, chụp nhiều con ma nhìn thấy lại tìm đường về".
Một người dân ở Tắk Long thông tin, từ đầu năm đến nay có 2 người làng chết vì ăn lá ngón. "Cứ liên tục như vậy thì làng hết người mất thôi. Lễ cúng mong muốn dân làng được bình yên, ma không về quấy phá", người này nói.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó chủ tịch xã Trà Cang cho biết, cán bộ nhiều lần đến các nóc gặp người dân để tuyên truyền về hủ tục cúng "cái chết xấu" nhưng không thuyên giảm.
"Lá ngón nhiều, diệt không thể hết. Người dân tìm đến lá ngón có thể do cuộc sống khó khăn, hay đơn thuần tức giận. Có cái chết tôi không hiểu nổi, như nghe người ta nói ăn lá ngón chết, có người không tin, tìm ăn thử. Càng như vậy cái chết xấu được nhân lên và dân làng lại đổ tại ma bắt mới chết", ông Bằng nói.