Sáng 4/9, ông Trần Công Ân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, sức khoẻ của 3 bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc độc tố Botulinum do ăn pate Minh Chay đã ổn định.
|
1 trong 3 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn botulinum từ Pate Minh Chay. Ảnh: BVCC. |
Trước đó, ngày 1/9, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức tiếp nhận 2 bệnh nhân L.T.V.K. (30 tuổi, ngụ thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) và V.T.H. (65 tuổi, ngụ thị xã Điện Bàn). Ngày 2/9, bệnh viện tiếp nhận thêm bệnh nhân N.T.N. (15 tuổi, ngụ TP Hội An).
Cả 3 trường hợp trên nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, khó thở, đau họng, yếu cơ… sau khi ăn bánh mì với pate Minh Chay. Sau khi cấp cứu, điều trị, sức khoẻ của 3 bệnh nhân đã ổn định.
Hiện bệnh viện đã có báo cáo nhanh gửi Sở y tế và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam. “Các bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc Botulinum. Chúng tôi đã báo cáo tình hình lên Sở Y tế Quảng Nam. Việc xét nghiệm mẫu thực phẩm tìm vi khuẩn Clostridium Botulinum sẽ được Bộ Y tế thực hiện", bác sĩ Ân nói.
Mời độc giả theo dõi video "Bệnh nhân thứ 10 cấp cứu do ngộ độc pate Minh Chay". Nguồn: VTC Now.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ rà soát số người ở địa phương có mua pate Minh Chay, đồng thời khuyến cáo người dân không dùng thực phẩm này đến khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.
Trước đó, theo nguồn tin trên báo PN Online, ngày 27/8, chị K. được một sư cô ở xã Điện Hồng (thị xã Điện Bàn) cho một hộp pate Minh Chay. Chiều cùng ngày, chị làm 2 ổ bánh mì có sử dụng pate Minh Chay cho 4 người ăn và chia hũ pate này ra cho vài người nữa đem về nhà.
Đến trưa ngày 1/9, chị K. và bà H. bắt đầu mệt, khó thở, nhìn mờ, nhìn đôi, đau họng, yếu cơ nên đã đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Đến ngày 2/9, em của chị K. là N. cũng nhập viện với các triệu chứng tương tự.