Theo bác sĩ Diệp Thời Mạnh (Đài Loan, Trung Quốc) chuyên về chạy thận nhân tạo (lọc thận) và quản lý bệnh thận cho biết, móng tay là phần không ngừng phát triển trên cơ thể con người. Nó có tác dụng bảo vệ ngón tay, giúp các hoạt động trở nên dễ dàng hơn.
Không chỉ vậy, khi sức khoẻ có những thay đổi bất thường, ngón tay cũng sẽ có sự thay đổi về cấu trúc, hình dạng cũng như màu sắc. Thông qua đó, các bác sĩ có thể phần nào phát hiện ra những dấu hiệu ban đầu của bệnh.
Thay đổi móng tay cảnh báo bệnh thận mãn tính
Vào năm 1967, dựa trên những quan sát lâm sàng, bác sĩ Philip Gaylord Lindsay - một bác sĩ tâm thần học người Mỹ đã kết luận rằng một tỷ lệ nhất định bệnh nhân bị suy thận sẽ có sự phân tách màu sắc đặc biệt trên móng tay.
Phần nửa móng gần với lớp biểu bì chuyển sang màu trắng đặc và phần nửa còn lại có màu hồng. Hiện tượng này được gọi là biến dạng móng tay nửa móng hay móng Lindsay - đặt theo tên người phát hiện.
Bác sĩ Diệp Thời Mạnh cho biết thêm, sau này, có nhiều nghiên cứu khác cũng đã tiến hành so sánh bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính và người thường, ngoài việc xuất hiện biến dạng móng tay nửa móng còn có sự thu hẹp hoặc hoàn toàn biến mất của phần liềm móng (Lunula) - hình bán nguyệt nhỏ màu trắng đục dưới gốc móng.
Dù nguyên nhân gây ra hiện tượng khác thường này ở ngón tay những người mắc bệnh thận mãn tính vẫn chưa thực sự rõ ràng, tuy nhiên, dựa trên giải phẫu và quan sát lâm sàng, các bác sĩ và chuyên gia suy đoán rằng, nguyên nhân có thể do thiếu máu thận dẫn đến tăng sản vi mạch, kích thích bài tiết melanocyte ở trạng thái uremia, khiến những phần móng tay mới mọc chưa kịp tích tụ màu sắc.
Biến dạng móng tay nửa móng xuất hiện ở giai đoạn muộn
Móng tay là bộ phận rất dễ quan sát trên cơ thể, những thay đổi nhỏ cũng có thể là biểu hiện cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, thận là cơ quan thầm lặng, thậm chí có thể hoạt động khi chỉ có một bên nên các triệu chứng rõ rệt chỉ xảy ra khi chúng đã chịu tổn thương nặng. Những thay đổi về móng tay được đề cập hầu hết được tìm thấy ở bệnh nhân thận mãn tính giai đoạn 4 và 5 - nghĩa là thời điểm bệnh đã tiến triển khá nặng.
Bác sĩ Diệp Thời Mạnh khuyến nghị, để biết chính xác thận có tổn thương hay không, nên đến bệnh viện để được tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu. Đặc biệt với những người có nguy cơ cao như có tiền sử gia đình và mắc các bệnh mãn tính nên thường xuyên kiểm tra định kỳ và theo dõi sức khoẻ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Những thói quen gây tổn thương thận
1. Chế độ ăn uống thất thường
Người có chế độ ăn uống thất thường có thể gây ra tổn thương cho thận. Đặc biệt trong quá trình phát triển của bệnh thận, axit uric trong máu người bệnh tăng cao, nếu thường xuyên ăn những thực phẩm có hàm lượng purin cao như hải sản, nội tạng động vật... sẽ khiến chức năng thận suy giảm rõ rệt.
2. Nhịn tiểu
Việc nước tiểu ứ lại trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn có hại, gây ra các chứng nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bàng quang và dần dẫn đến tổn thương thận. Để tăng cường sức khoẻ, tránh tổn thương thận, tốt nhất nên bỏ thói quen nhịn tiểu, đi tiểu kịp thời, tránh tích tụ độc tố ảnh hưởng các cơ quan nội tạng.
3. Uống quá ít nước
Nhiều người chỉ bổ sung nước cho cơ thể khi cảm thấy khát, điều này vô tình khiến thận không kịp đào thải các chất độc hại trong cơ thể, nước tiểu sẽ có nồng độ khoáng chất và chất thải cao hơn. Từ đó kích thích quá trình hình thành sỏi thận và ảnh hưởng đến chức năng thận.
4. Thường xuyên thức khuya
Ban đêm là thời gian tốt nhất để thận nghỉ ngơi, điều chỉnh và tự sửa chữa. Nếu không giữ thói quen nghỉ ngơi điều độ sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, lâu dài sẽ khiến thận tổn thương, suy giảm chức năng.