Theo Japan Times, phương pháp mà nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Riken (thuộc chính phủ Nhật Bản) đã xác định được tế bào gốc quan trọng nhất để tái tạo tóc. Đây được xem là chìa khóa, đặt nền móng cho nghiên cứu lâm sàng áp dụng các tế bào đó vào trị liệu chứng hói đầu của nam giới.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Scientific Reports của Anh. Ông Takashi Tsuji, trưởng nhóm nghiên cứu, và các đồng nghiệp đã thiết lập hệ thống nuôi cấy trong ống nghiệm. Qua phân tích chức năng cho thấy các tế bào gốc dương tính với kháng thể CD34 và Integrarin alpha 6 - beta 5. Hai protein này cùng glycoprotein có tên tenascin có vai trò kết dính, tái tạo tóc.
Ông Tsuji cho biết: “Rụng răng hoặc tóc không nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên, nó ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống của người đó. Tôi hy vọng dự án này sẽ sớm được nghiên cứu lâm sàng trên người”.
|
Rụng tóc là hiện tượng bình thường nhưng khiến nhiều người mất tự tin vì tóc thưa, hói... Ảnh: Getty.
|
Rụng tóc là vấn đề bình thường, tuy nhiên, nam giới bị hói đầu nhiều hơn phụ nữ. Nguyên nhân gây hói đầu hiện chưa có kết luận rõ ràng. Nhiều chuyên gia cho rằng hói đầu là do một số gene như DHT gây ảnh hưởng đến sự nhạy cảm của nang tóc, khiến chúng co lại. Nó làm cho lỗ chân lông trở nên nhỏ lại sau mỗi lần rụng tóc và đến khi tóc không thể mọc lên được nữa.
Những người phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn cùng với xạ trị hay hóa trị cũng khiến hiện tượng rụng tóc xảy ra. Một số bệnh như cường giáp hay suy giáp cũng khiến cho cơ thể mất cân bằng testosterone, biến đổi thành hormone DHT nhanh hơn. Thậm chí, stress cũng có thể gây rụng tóc, hói đầu ở nhiều người.
Trong nghiên cứu lâm sàng để chữa chứng hói đầu cho nam giới, vị chuyên gia này dự kiến nuôi cấy các nang tóc từ phương pháp mà ông đã phát triển từ năm 2007. Sau đó, các nang tóc mới sẽ được cấy ngược trở lại vào đầu của người bị hói.