Hồi nẳm ta suýt ghen, vì chồng được đi công tác chung với người đã từng “ý tại ngôn ngoại” với ổng trước mặt ta. Tuy đi là đi cả đoàn, nhưng ta vẫn cứ nghi ngờ. Chị bạn thân thấy ta vác bụng bầu, chị ngồi uống cà phê mà không yên, cứ liên tục nhắn tin.
|
Ông xã trong nhà là chồng mình. Ảnh minh họa |
Chị bảo: “Chồng là vật ngoài thân em ơi! Con trong bụng ta, là của ta; nhà trầy vi tróc vảy lắm mới cất được, xe cũng lên bờ xuống ruộng mới mua được, là của ta. Còn chồng là…con người khác, cứ nghĩ trong nhà là chồng mình, ra ngõ là chồng người. Như vậy mới bình yên”.
Ta há hốc vì cách nghĩ không giống ai của chị. Cãi. Chồng là cha của con ta, là người đi cùng ta suốt cuộc đời, mạnh khỏe bên nhau, đau yếu có nhau. Sao gọi là “ngoài thân” được. Chị cười hà hà: “Chắc gì là cha của riêng con ta? Biết đâu một ngày lại lòi ra hai ba đứa nữa tới nhận cha? Chồng đi suốt cuộc đời với ta hả? Ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ còn không đi cùng nhau hết cuộc đời nữa là”.
Qua rồi cái thời mặn nồng hương lửa, đến nỗi cái nhíu mày của người ta vì…cắt phạm móng tay cũng làm ta đau lòng. Giờ qua ba ngàn sáu trăm ngày bên nhau, dường như cảm xúc đã sượng như khoai mì đang nắng gặp mưa. Ta không ghen tuông vô cớ nữa. Mà có ghen cũng đặt ra bài tính “Ghen sẽ được gì? Có bằng chứng không? Bằng chứng đó đủ thuyết phục không? Ghen rồi còn cha cho con, còn chồng cho ta hay tài sản chia ra, cửa nhà tan nát?”.
Bởi vậy mà từng có một hai “con ranh” nửa đêm gọi điện thoại bảo rằng: “Xin cô cho cháu gặp chú H, nếu không ngày mai cháu sẽ chết”. “Chú ngủ rồi, có gì sáng sớm mai gọi lại”. “Cô ơi, gọi chú nghe điện thoại giùm cháu đi, cháu chỉ nói một câu thôi, là cháu yêu chú lắm. Không có chú, cuộc đời cháu thành vô nghĩa”.
Ta …chết sặc vì cười. Hóa ra chồng là “vật ngoài thân” thật. “Cháu ơi, tưởng cháu nói gì với chú ấy, chứ câu này, từ ngày làm vợ chú, cô đã nghe chừng hai chục cô nói rồi. Nếu yêu chú như vậy, cháu phải phấn đấu để làm thư ký riêng của chú nhé, như cô đã từng”.
Thế là dẹp được một mối “loạn”. Sáng “tra từ điển” từ gương mặt no ngủ kia (còn ta thì mất ngủ) ta mới biết “Đó là con bé thực tập viên, mấy hôm nay anh nhận hướng dẫn cho nó”. Ta suýt hỏi, thế đã hướng dẫn nó tới chương, mục, điều nào rồi, để nó dám "lộng giả thành chân” như vậy. Nhưng thôi, dù sau cũng giữ sĩ diện cho mình, kẻo chồng lại bảo ta “ghen à?”.
Chồng là vật ngoài thân, một lần nữa lại đúng khi cô đồng nghiệp mới của cơ quan tới nhà sếp chơi, mấy lần mua quà cho cu con sếp, rồi trong một bữa cơm thân mật dám “bỏ nhỏ” với ta rằng: “Em cũng muốn có đứa con thông minh xinh xắn như cu Bin vậy, chị có đồng ý cho em xin không? Em chỉ xin đứa con thôi, không yêu cầu gì nữa, em thề”. Ta cười “Em phải hỏi cha của đứa con tương lai ấy, chứ hỏi chị làm gì”. Cô cúi mặt “Chỉ cần chị bằng lòng, còn “câu” ba nó thì có khó gì”.
Ta từ thương hại một cô nàng “băm ba nhát” mà vẫn “chổng chừa” bởi lâu nay bận học hành, thăng tiến cho ba mẹ vui lòng (theo lời ả) đã chuyển sang kinh tởm một mụ đàn bà sành đời trơ tráo. Vậy mà khi chồng biết chuyện, đã nói với ta rằng: “Con rồ đó xấu ma chê quỷ hờn nên mới ế tới giờ. Chứ nó mà xinh xinh xem, bảy bảy bốn chín ngày về cơ quan có thoát khỏi tay anh không?”.
Không biết là nên thương hay nên giận cô ấy nhỉ? Chỉ thấy đàn ông (mà đại diện là chồng ta) không chỉ là “vật ngoài thân” một sinh vật không những ngoài thân các bà vợ, mà còn là một “lỗ đen vũ trụ” cứ chực nuốt chửng những con nai tơ lẫn con cừu già.
Bây giờ chồng vẫn là chồng, vẫn là cha của con ta, nhưng từ dạo xình lên xẹp xuống ta mới nghiệm lời bà chị rằng: “Chồng chỉ là vật ngoài thân, cứ nghĩ trong nhà là chồng mình, ra ngõ là chồng người “cho nó lành”. Ta cứ an nhiên ăn ngon ngủ đủ, lao động vừa sức, chăm con ngoan khỏe dạy con ngoan và giữ gìn nhan sắc – món báu vật trời cho của mình- để một mai…Chậc, có bước tiếp con đường của ông Lạc bà Âu cũng là lẽ…tự nhiên ở đời.