Cứ nghĩ vợ có công thì chồng sẽ không phụ nhưng nhiều khi mọi thứ lại diễn ra theo hướng ngược lại hoàn toàn. Câu chuyện một người phụ nữ chia sẻ trên diễn đàn Zhihu về cuộc hôn nhân trước của cô là minh chứng vô cùng rõ nét.
Một người chồng chỉ biết nhận lại mà không bao giờ muốn cho đi
Theo lời người phụ nữ kể, chồng cũ cô làm nghề bác sĩ. Khi họ tổ chức đám cưới, anh ta đang theo học tiến sĩ. Còn cô đã sớm đi làm, thu nhập cao hơn mức trung bình của những người cùng tuổi.
Trong thời gian người chồng học tiến sĩ, mọi chi phí đều do cô vợ chu cấp, nhà ở cô đứng ra mua, khoản vay mua nhà cũng do cô trả. Thứ mà người chồng chịu trách nhiệm duy nhất là chi phí đám cưới.
“Cuối cùng chồng tôi cũng lấy được bằng tiến sĩ và bắt đầu đi làm kiếm tiền. Tôi nghĩ chồng đã có khả năng chia sẻ gánh nặng với mình nhưng hóa ra anh ta lại không có ý định đó”, cô viết.
|
Bài đăng trên diễn đàn.
|
Buổi chiều tan tầm, cô dặn chồng mua thức ăn thì anh ta tính tiền với vợ. Trong nhà cần sắm gì anh ta đều bảo cô bỏ tiền. Muốn mua giá sách hay bàn chải đánh răng điện, anh ta sẽ chọn mẫu rồi gửi cho vợ mua. Anh ta tiêu tiền rất hào phóng cho bản thân, giày dép, quần áo, ăn uống đều không tiếc. Tuy nhiên chi tiêu cho vợ và gia đình chung, từ những thứ nhỏ nhặt đến khoản chi lớn như ngôi nhà thì lại không muốn bỏ ra xu nào.
“Anh ta bảo trong nhà cần thêm lò nướng nhưng không bao giờ chủ động mua mà luôn chờ đợi tôi. Nếu tôi chưa bỏ tiền sắm, ngày nào anh ta cũng nhắc bên tai. Tôi nói thẳng sao không tự đi mua thì chồng thản nhiên đáp mua về là để cho tôi dùng cơ mà. Thật là nực cười, tôi dùng lò nướng nấu ăn chẳng lẽ anh ta không ăn? Thực sự là một người đàn ông không có ý thức tập thể và tinh thần trách nhiệm”, cô vợ bức xúc cho hay.
Điều gì cũng sẽ có giới hạn
Giọt nước tràn ly khiến cuộc hôn nhân của cô tan vỡ liên quan đến chuyện mua ô tô. Vốn bố mẹ cô đã mua cho con gái một chiếc xe hơi từ trước đó 4, 5 năm. Sau khi kết hôn, cô cũng muốn đổi chiếc xe khác cho cả gia đình nên khi chồng đề nghị đổi xe thì cô đồng ý.
“Tôi bảo số tiền phải vay thêm mua xe cả hai người cùng trả nhưng anh ta không đồng ý. Chồng cho rằng tôi là người lái xe chứ không phải anh ta. Nói như thế nhưng chính anh ta lại khăng khăng lựa chọn chiếc BMW có giá gần gấp đôi chiếc Volvo mà tôi định mua”, người phụ nữ cho hay.
|
Ảnh minh họa. |
Cô vợ thường lái xe nhiều vì công ty ở xa và do cô đã lái xe lâu năm. Anh chồng cũng có bằng lái nhưng không dám đi trên đường, luôn muốn vợ làm tài xế cho mình. Anh ta chọn chiếc xe đắt tiền song lại không muốn bỏ phần tiền nào. Cô thuyết phục chồng mua xe cốt yếu ở sự thoải mái khi sử dụng, mà gia đình họ cũng không phải quá giàu có.
“Anh ta vẫn không chịu vì bản thân là một tiến sĩ mà lái chiếc xe rẻ tiền ra đường thì mọi người sẽ chê cười mình nghèo. Khoảnh khắc đó tôi cảm thấy mọi thứ quá giới hạn không thể chịu đựng được nữa và quyết định ly hôn”, cô vợ viết.
Tới lúc này thì bộ mặt thật của người chồng mới lộ ra hết. Anh ta đòi vợ bồi thường cho mình 20 vạn tệ (khoảng 700 triệu đồng) bởi vì căn nhà cô mua trước hôn nhân, anh ta không được chia tài sản. Chưa nói cô còn phải bồi thường thanh xuân cho chồng, do anh ta lấy cô không theo ý muốn gia đình, nhà anh ta thích con trai cưới một nữ tiến sĩ mới tương xứng.
Cô bị quy kết tội hủy hoại thanh danh chồng, hại anh ta trở thành người đàn ông một đời vợ. Trong khi đó cô có điều kiện ổn, ngoại hình khá tốt, bỏ tiền ra cho anh ta nhiều từng đó, cuối cùng còn phải bồi thường? Cô vợ chia sẻ, sau khi ly hôn cô bị ám ảnh với hai từ “tiến sĩ”. Điều đó đủ thấy cô “sợ hãi” chồng cũ thế nào, may mắn là cuối cùng tất cả đã thành quá khứ.
Quả thật điều gì cũng có giới hạn, dù người vợ rộng lượng, hết lòng vì chồng và gia đình đến đâu thì sẽ tới lúc chán chường tuyệt vọng mà buông tay. Song có lẽ chỉ có sự tham lam là chẳng hề có điểm cuối, mà những kẻ như vậy đã được mặc định sẵn sẽ chẳng bao giờ sống chung hạnh phúc nổi với ai!