Cứ 3 giây lại có 1 người mắc
TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, do già hoá dân số nên mô hình bệnh tật cũng thay đổi, với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh mạn tính, các bệnh thoái hoá, trong đó có sa sút trí tuệ. Hiện trên thế giới cứ 3 giây lại có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ. Cứ 20 năm, số người mắc bệnh này lại tăng lên gấp đôi.
Đây là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, định hướng, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục... Tại Viện Sức khỏe tâm thần, tuy chưa có thống kê cụ thể song bệnh nhân vào viện do sa sút trí tuệ đang có xu hướng gia tăng, nhưng rất ít người đến khám do triệu chứng hay quên mà thường đi khám một bệnh lý khác hoặc có các bệnh lý kèm theo.
|
Khám cho bệnh nhân điều trị sa sút trí tuệ tại Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thu Nguyên |
Trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, chứng sa sút trí tuệ để lại nhiều gánh nặng cho người bệnh, gia đình, như chăm sóc khó khăn, tốn kém chi phí điều trị cũng như nhân lực, vật lực cho dịch vụ y tế.
TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, trong sa sút trí tuệ, một vấn đề chính là rối loạn định hướng về không gian (không biết đang ở đâu), thời gian (không biết ngày hay đêm); rối loạn định hướng bản thân; rối loạn môi trường sống làm ảnh hưởng không chỉ người bệnh mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến cả gia đình và môi trường khác. BS Tuấn dẫn chứng, có bà cụ 70 tuổi được các con đưa đến viện khám bởi cứ 1 – 2h sáng, bà bật dậy khỏi giường, bật điện sáng trưng rồi gọi con cái dậy nấu cơm. Hay có những người khác, dù 80 tuổi nhưng giữa đêm đang ngủ lại vùng dậy tìm lửa, thắp hương khắp nhà.
Đang điều trị tại Viện Sức khoẻ tâm thần, ông B.T.Q (66 tuổi, ở Thái Nguyên) được nhận định đã mất trí nhớ hoàn toàn. Ông Q không nhận ra vợ, con, thường xuyên lảm nhảm một mình, luôn phải trong tầm giám sát. Đáng nói, điều trị bệnh cho chồng kéo dài, vợ ông phải bỏ hết mọi việc ở quê lên viện chăm chồng, chi phí phát sinh rất nhiều.
“Có những bệnh nhân sa sút trí tuệ đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, đặc biệt là mất ngủ. Rất nhiều bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát”, TS.BS Trần Thị Hà An - Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già, Viện Sức khoẻ tâm thần chia sẻ.
Nữ giới mắc sa sút trí tuệ nhiều hơn nam
Điều đáng lưu ý, số bệnh nhân là nữ giới mắc bệnh nhập viện vì sa sút trí tuệ nhiều hơn nam.
Nữ bác sĩ nhấn mạnh, bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ không chỉ là người già. Những người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì/ đái tháo đường type 2… Khoảng 60-80% bệnh nhân sa sút trí tuệ nhập viện do bệnh lý Alzheimer.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu căn bệnh này, chủ yếu dùng thuốc để làm chậm tiến triển của bệnh. Để phòng ngừa tốt bệnh suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, các bác sĩ khuyến cáo cần điều trị hiệu quả các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn lipid máu... Hạn chế hút thuốc lá, rượu bia, ăn nhiều rau, trái cây và tập thể dục thường xuyên.
TS.BS Trần Thị Hà An cho biết, không phải tất cả người già đều phải đối mặt với bệnh sa sút trí tuệ và bệnh lý này có thể có rất sớm, ở người từ 50 tuổi.
“Sa sút trí tuệ không phải là bệnh có thể chữa khỏi mà chỉ điều trị giảm triệu chứng, do đó việc chăm sóc bảo đảm an toàn cho người bệnh và người chăm sóc rất quan trọng. Việt Nam đang dần hình thành câu lạc bộ dành cho người nhà bệnh nhân sa sút trí tuệ để hướng dẫn, chia sẻ cách chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất”, BS Hà An cho hay.
Cả thế giới chỉ có 4 loại thuốc
Với những người mắc sa sút trí tuệ cần người chăm sóc có những kiến thức, kỹ năng ứng xử khi bệnh nhân có những bất thường về hành vi, các biện pháp đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Ngoài ra, một điều cũng rất đáng lo ngại, đó là kết quả khảo sát những người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ cho thấy, nhóm này hay bị ốm hơn những người thường, số lần phải khám bệnh của những người chăm sóc người bị sa sút trí tuệ tăng lên, dùng thuốc nhiều hơn. Nguy cơ trầm cảm cao hơn và phải nhập viện cũng cao hơn.
Do đó, theo TS Hà An, ở Viện Sức khoẻ tâm thần, bác sĩ chăm sóc cho người bệnh sa sút trí tuệ một thì cũng phải tư vấn, hỗ trợ cho người chăm sóc hai.
BS Hà An cũng cảnh báo tình trạng, 90% bệnh nhân đến khám sa sút trí tuệ hay Alzheimer đều “khai” đã tiêm, uống các loại thuốc bổ não được quảng cáo là cải thiện trí nhớ, điều trị bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định, trên thế giới hiện lưu hành chỉ 4 loại thuốc điều trị sa sút trí tuệ, Alzheimer. Ở Việt Nam có 3/4 loại thuốc này. Các loại thuốc mà không do bác sĩ chuyên khoa Tâm thần điều trị kê đơn chỉ là thuốc hỗ trợ, bổ trợ cho não chứ không phải thuốc chữa bệnh Alzheimer. “Tôi thường khuyên người bệnh thay vì uống thuốc thì nên ra ngoài tập một bài thể dục, tăng cường vận động, giao tiếp còn hiệu quả hơn là uống thuốc” , BS Hà An nói.
Theo BS Trần Thị Hà An, biểu hiện sớm sa sút trí tuệ như: Quên tên người rất quen biết hoặc hay lẫn lộn các sự kiến mới - cũ; cảm xúc không ổn định, hay bực dọc, thường phản ứng bùng nổ cảm xúc với bạn bè và người thân, xua đuổi mọi người không chịu tiếp xúc, gây ra các vấn đề tồi tệ, cảm xúc đối nghịch, chậm hiểu….
Giai đoạn đầu, người bệnh thường hay quên và thay đổi hành vi nhưng vẫn nhớ các sự kiện trong quá khứ nhưng đến giai đoạn muộn thì bệnh nhân sẽ mất hoàn toàn trí nhớ, mất khả năng phán đoán và suy luận, đặc biệt mọi hoạt động trong cuộc sống đều cần có người giúp đỡ.