Chị Nguyễn Thu Trang (SN 1982, trú tại Đông Khê, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) tử vong khi nhổ răng số 8 tại Bệnh viện Quân y 7 Hải Phòng, nguyên nhân nhân có thể do tiêm thuôc gây tê trước khi nhổ răng dẫn đến sốc phản vệ.
Liên quan vụ việc này, dư luận đặt ra câu hỏi, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước cái chết của nữ bệnh nhân này.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) nhận định, nhổ răng là ca phẫu thuật nhỏ, được thực hiện không cần gây mê mà chỉ cần gây tê. Trước khi tiểu phẫu cần làm các xét nghiệm máu để đảm bảo công thức máu và khả năng đông máu bình thường.
Về cơ bản thì việc nhổ chiếc răng số 8 của chị Trang không nguy hiểm hay biến chứng gì đến người bệnh. Vì hiện nay, với kỹ thuật nha khoa hiện đại và tay nghề bác sỹ được nâng cao thì sẽ giảm thiểu thấp nhất các rủi ro.
|
Bệnh viện 7 Hải Phòng nơi xảy ra tai biến y khoa khiến nữ bệnh nhân tử vong khi nhổ răng số 8. |
Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân tử vong của chị Trang là trong giai đoạn tiêm thuốc gây tê trước khi nhổ răng. Như vậy, cái chết của chị Trang được xác định là ở khâu gây tê đã gây biến chứng sốc phản vệ, chứ không phải do việc đang nhổ chân răng thì bị tử vong.
Gây tê là phương pháp giúp người bệnh không đau với mức độ thức tỉnh khác nhau nhằm duy trì ổn định các chức năng sống trong khi thực hiện phẫu thuật (mổ), thủ thuật. Gây tê đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động phẫu thuật và được chuẩn bị trước khi phẫu thuật
Sử dụng thuốc gây tê, mê là một tiến bộ rất lớn của ngành y nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Tuy nhiên sử dụng thuốc loại này giống như việc sử dụng con dao hai lưỡi mà lưỡi. Thuốc có tác dụng gây tê là rất tốt nhưng đồng thời cũng có thể gây tai biến chết người. Không hiếm xảy ra trường hợp người bệnh chỉ mới được tiêm một liều thuốc gây tê nhỏ lại bị tử vong vì sốc thuốc không những ở Việt Nam mà ngay cả những nước có nền y tế phát triển.
Thuốc gây tê là thuốc có tác dụng ức chế dây thần kinh cảm giác để làm tạm thời mất cảm giác tại nơi thuốc tiếp xúc. Tức là thuốc chỉ gây tê, làm mất cảm giác đau đớn tại nơi có thuốc chứ không ảnh hưởng đến ý thức, hoạt động của cơ thể.
Các trường hợp tiểu phẫu thuật đều được áp dụng tê tại chỗ. Vì tê tại chỗ nên bệnh nhân hoàn toàn tỉnh khi làm phẫu thuật. Kỹ thuật gây tê có 2 loại:
Gây tê tại chỗ là làm cho một vùng nhỏ không còn cảm giác đau. Gây tê tại chỗ áp dụng cho những vùng phẫu thuật nhỏ như một vết thương cạn, nhỏ, ngoài da, vết thương ở da đầu, vết thương ngón tay, ngón chân …
Gây tê vùng là làm tê một vùng rộng hơn. Tê vùng là chích thuốc tê vào tủy sống hay ngoài màng cứng. Người ta chích thuốc tê vào tủy sống và những rễ thần kinh tương ứng. Tê vùng làm mất cảm giác một vùng lớn của cơ thể như bụng, lưng hay hai chân, tay.
Tác dụng phụ của thuốc gây tê thường là hạ huyết áp, nhịp tim chậm. Tác dụng trên thần kinh như gây vật vã, suy hô hấp và co giật. Đặc biệt thuốc có thể gây dị ứng, trầm trọng nhất là gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
Khi nhổ răng bình thường sẽ được tiêm thuốc tê vùng nướu và có cảm giác tê cứng, không còn cảm giác nhưng ý thức vẫn hoàn toàn tỉnh táo, tay chân vẫn hoạt động bình thường. Có thể trong trường hợp chị Trang nhổ răng số 8 đã được Bác sỹ chỉ định gây tê một vùng rộng lớn nên đã được tiêm thuốc vào tủy sống hay ngoài màng cứng.
Một số thuốc gây tê thường sử dụng là lidocain, bupivacain, procain... trong đó lidocain được dùng rộng rãi nhất. Theo báo cáo thường niên về Hệ thống dữ liệu Chống độc Quốc gia của Hiệp hội các trung tâm chống độc Mỹ (AAPCC) năm 2013, trong số các trường hợp tiếp xúc với lidocain có 150 ca nhẹ, 67 ca trung bình, 14 ca nặng và 5 ca tử vong
Về lý do tại sao không thử phản ứng test thuốc tê trước khi sử dụn, các Bác sỹ đã giải thích phản ứng của thuốc gây tê thuộc loại dị ứng không qua trung gian miễn dịch. Lần tiếp xúc đầu tiên có thể sốc phản vệ ngay luôn nên nếu làm liều test thì cũng là lúc tạo cho bệnh nhân tiếp xúc lần đầu, có thể bị choáng phản vệ ngay. Như vậy sẽ nguy hiểm hơn nữa nên các bác sĩ không làm liều test mà cứ chích thuốc tê, nếu xảy ra phản ứng sẽ xử trí luôn.
Quan trọng khi gây tê phải làm trong điều kiện trang thiết bị đầy đủ như phương tiện cấp cứu hồi sức, có phác đồ, các phương án xử trí khi có biến chứng xảy ra.
Mặt khác, tại Phụ lục VIII, Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã hướng dẫn “không thử phản ứng (test) cho tất cả các loại thuốc trừ những trường hợp có chỉ định nếu người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc hoặc dị nguyên có liên quan (thuốc, dị nguyên cùng nhóm hoặc có phản ứng chéo) và nếu người bệnh có tiền sử phản vệ với nhiều dị nguyên khác nhau”
Để có căn cứ xác định nguyên nhân chị Trang tử vong thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân vụ việc, quy trình khám chữa bệnh của chị Trang tại Bệnh viện. Kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo qui định của pháp luật.
“Nếu Bác sỹ điều trị không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Răng Hàm Mặt được qui định tại Quyết định số 3207/QĐ-BYT ngày 29/8/2013 là nguyên nhân dẫn tới bệnh nhân tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015”, Luật sư Thơm cho biết.
Luật sư Thơm cũng cho rằng, trong trường hợp, nếu có căn cứ xác định, bác sỹ đã thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật khám, chữa bệnh Răng Hàm Mặt và chị Trang tử vong là rủi ro trong y khoa thì bác sỹ điều trị không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do bác sỹ điều trị làm việc tại Bệnh viện, khi hậu quả xảy thì Bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân theo qui định tại các Điều 590, 597 Bộ luật dân sự 2015.