Ung thư miệng (còn gọi là ung thư khoang miệng) là một tổn thương ác tính xuất hiện tại vùng khoang miệng bao gồm: lưỡi, lợi hàm dưới, niêm mạc má, sàn miệng, lợi hàm trên, khẩu cái và môi. Trong đó, các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng ung thư ở vị trí lưỡi hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ khoảng 40%.
Ảnh minh họa
Theo Cơ quan Quản lý Y tế Quốc gia tại Trung Quốc, ung thư miệng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư hàng đầu ở nước này vào năm 2022. Đặc biệt, Đài Loan là khu vực có tỷ lệ mắc ung thư miệng cao nhất. Số liệu từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế chỉ ra tỷ lệ mắc ung thư miệng ở Đài Loan là 32,46 trên 100.000 người, được đánh giá là cao nhất trên toàn thế giới.
Vì vậy, rất nhiều bác sĩ lâm sàng, nhà khoa học Trung Quốc cũng như quốc tế đã tiến hành nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân đằng sau thực trạng này. Bất ngờ khi những nguyên nhân hàng đầu lại đến từ những thói quen vô cùng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.
Những thói quen làm tăng nguy cơ ung thư miệng
Nghiên cứu của Tiến sĩ Li Chen Hung cho biết, không ít thói quen sinh hoạt có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng. Trong đó, phổ biến nhất là các hành vi như: hút thuốc, nhai trầu, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, ăn uống đồ quá nóng thường xuyên, tăng ma sát răng quá mức. Đặc biệt, nếu một người cùng lúc có 3 hành vi nhai trầu - hút thuốc - uống rượu bia thì nguy cơ mắc ung thư miệng sẽ tăng cao lên gấp 123 lần so với bình thường.
Nhiều người vẫn sai lầm khi cho rằng hút thuốc, bao gồm cả các loại thuốc lào, xì gà… chỉ gây ra ung thư phổi. Thực chất, thói quen độc hại này gây ra vô vàn bệnh tật, trong đó có rất nhiều bệnh ung thư mà ung thư miệng cũng vô cùng phổ biến. Bởi vì khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất hóa học, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư. Đặc biệt là nitrosamine được tạo từ thuốc lá là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư miệng. Nghiên cứu chỉ ra người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư miệng cao hơn ít nhất 18 lần so với bình thường.
Ảnh minh họa
Trong đó phổ biến nhất là ung thư niêm mạc miệng. Bởi vì khói thuốc lá có khả năng kích thích các tế bào biểu mô niêm mạc lưỡi, má, sàn miệng và các vị trí khác ở miệng và họng tạo ra các tổn thương tiền ung thư, rồi tiến triển thành ung thư biểu mô. Những người suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu vitamin A, D, E mà hút thuốc lá thì càng có nguy cơ bị ung thư miệng cao hơn.
Tương tự, khi nhắc tới bệnh ung thư do lạm dụng rượu bia chúng ta cũng thường chỉ nghĩ ngay đến ung thư gan hoặc ung thư dạ dày. Trong khi đó, ung thư miệng cũng tăng ít nhất 10 lần ở những người có thói quen xấu này.
Rượu bia làm tổn thương mô cơ thể, rượu hoạt động như một chất kích thích, đặc biệt ở khoang miệng và hầu họng. Các tế bào bị tổn thương do rượu cố gắng tự sửa chữa, điều này có thể làm biến đổi các DNA và đây chính là một bước quan trọng có thể tiến tới ung thư. Những người vừa hút thuốc vừa nghiện rượu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì các chất cồn làm tăng tính thấm của biểu mô niêm mạc đường tiêu hóa.
Còn thói quen nhai trầu thì phổ biến ở nhiều quốc gia Châu Á, thậm chí còn rất quen thuộc với cả người trẻ tuổi ở Trung Quốc. Bởi trầu cau có chứa những hoạt chất có tác dụng gây hưng phấn cho thần kinh trung ương, nên được coi là một biện pháp để giải tỏa stress. Tuy nhiên, từ năm 2003, Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã xếp trầu cau vào nhóm chất có khả năng gây ung thư cấp độ 1.
Bởi vì lá trầu và hạt cau có chứa nhiều chất gây hại như arecoline, arecaidine, guvacine và guvacolin. Trong đó, arecoline là chất gây ung thư cực kỳ nguy hiểm. Chưa kể, Flavonoid, catechin và tannin trong hạt cau làm cho các sợi collagen nối chéo, làm chúng giảm nhạy với đàn hồi. Điều này làm tăng xơ do tăng tạo collagen và giảm phá vỡ collagen.
Đồng thời, các chất xơ thô ráp của cau sẽ cọ xát làm tổn thương niêm mạc miệng, gây tổn thương. Vôi trong món ăn này càng thúc đẩy nhanh quá trình ung thư hóa của tế bào bởi vôi và hạt cau gây ra phản ứng oxy đặc biệt, có thể gây ra tổn thương oxy hóa DNA của tế bào niêm mạc miệng. Vì các lý do này mà nhai trầu thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng tới 89 lần, nhất là ung thư niêm mạc má và nướu răng.
Ngoài ra, việc thường xuyên ăn uống đồ nóng, đặc biệt là nóng trên 60 độ C cũng đã được WHO cảnh báo làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư. Bao gồm ung thư miệng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày. Hay việc tăng ma sát răng quá mức như hay nghiến răng, răng quá sắc nhọn… cũng dễ gây ung thư miệng hơn do gây ra các tổn thương niêm mạc miệng, nướu răng kéo dài.
Triệu chứng ung thư miệng cần chú ý
Ung thư miệng thuộc dạng bệnh lý ác tính nhưng lại có nhiều triệu chứng khá giống viêm nhiễm thông thường ở miệng nên nhiều người nhầm lẫn, phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đây cũng chính là lý do khiến việc điều trị khó đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ảnh minh họa
Vì vậy, các chuyên gia nhắc nhở mỗi chúng ta hãy hết sức cảnh giác với các triệu chứng ung thư miệng sau đây:
- Lở miệng, loét miệng (nhiệt miệng) trên 2 tuần kèm đau kéo dài không biến mất.
- Niêm mạc miệng có màu lạ như nhợt màu hoặc đen lại. Cũng có thể xuất hiện ban đỏ cố định hoặc đốm trắng.
- Niêm mạc miệng trở nên xơ cứng, dày và thô hơn.
- Các cục u dai dẳng không rõ nguyên nhân trong miệng và không biến mất.
- Các cục u dai dẳng không rõ nguyên nhân trong các tuyến bạch huyết ở cổ và không biến mất.
- Xuất hiện u trong má.
- Cảm giác như có gì đó mắc vào cổ họng. Thậm chí là đau và khó nuốt.
- Sưng cổ bất thường hoặc/và thay đổi giọng nói, khàn tiếng.
- Hôi miệng dù vệ sinh răng miệng kỹ.
- Tê vùng môi, mặt, cổ hoặc cằm.
- Hay bị chảy máu trong khoang miệng.
- Khó cử động hàm và lưỡi.
- Răng hay lung lay hoặc răng giả không còn phù hợp do xương hàm sưng to.
- Sụt cân đột ngột.
- Một số người bị đau vùng tai bất thường.
Để phòng ngừa ung thư miệng, tốt nhất là hãy tránh xa những thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh vừa kể trên. Đồng thời chú trọng tới vệ sinh răng miệng hàng ngày, ngoài đi khám sức khỏe tổng thể định kỳ thì cần khám nha sĩ thường xuyên. Tiêm vaccine phòng ngừa virus HPV cũng có tác dụng rất lớn trong ngăn ngừa ung thư miệng vì đây cũng là nguyên nhân gây bệnh rất phổ biến.