Nhân viên y tế tự tháo khớp chân mắc bệnh hiếm gặp

Google News

Nam kỹ thuật viên vật lý trị liệu (Bệnh viện quận Cái Răng) tự gây tê chân của mình rồi dùng dụng cụ tự tháo khớp chân từ đầu gối trở xuống.

Trao đổi với phóng viên Zing.vn chiều 12/11, đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết nam nhân viên y tế tên Khoa (27 tuổi, quê Vĩnh Long) tự tháo khớp chânBệnh viện Đa khoa quận Cái Răng mắc bệnh lý.
"Thanh niên này mắc chứng hiếm gặp là rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID), giống như sử dụng ma túy đá" - lãnh đạo Công an Cần Thơ nói.
 Bệnh viện quận Cái Răng, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: CTV.
Sự việc xảy ra chiều 10/11, khi các đồng nghiệp trong Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng (Bệnh viện quận Cái Răng) đã ra về. Thấy xung quanh không còn ai, nam kỹ thuật viên vật lý trị liệu đã chốt cửa phòng rồi vào nhà vệ sinh.
Anh Khoa tự gây tê chân mình rồi dùng các dụng cụ chuẩn bị sẵn để tháo khớp chân trái, đoạn từ đầu gối trở xuống. Tiếp đến, anh Khoa buộc phần khớp cắt lìa vào chân, định ra ngoài tạo hiện trường liên quan đến một vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, do phần khớp buộc bị rơi nên anh này mang cất vào tủ.
Anh Khoa gọi điện thoại cho hộ lý, nói thức dậy thấy bị ai đó cắt mất một phần chân trái. Bác sĩ và điều dưỡng đến nơi phát hiện anh này mất một chân. Kiểm tra xung quanh, họ thấy chân trái anh Khoa trong tủ - lãnh đạo Bệnh viện quận Cái Răng kể.
Sau khi sơ cứu, anh Khoa được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để nối đoạn chân bị đứt lìa. Tuy nhiên, nạn nhân không đồng ý nên bác sĩ chỉ khâu mỏm cụt, không nối chi.
Cơ quan điều tra vào cuộc, khám nghiệm hiện trường và lấy lời khai của anh Khoa. Nhà chức trách kết luận anh này tự cắt chân mình. Sức khỏe nam kỹ thuật viên vật lý trị liệu hiện ổn định.
Anh này tên Khoa (27 tuổi, quê ở Vĩnh Long) là kỹ thuật viên vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, vào bệnh viện làm việc năm 2012. Hiện nhân viên y tế này ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) với vợ và con trai 3 tuổi.
Theo các bác sĩ, người mắc bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể thường được cho là mong muốn mình tàn phế. Họ có suy nghĩ một phần cơ thể như tay, chân là bị thừa. Người mắc bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể thường lạ lẫm với chính một phần cơ thể của mình.
Theo Minh Anh-Việt Trường/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)