Nhận quà mẹ chồng gửi, tôi giật mình nhận ra điều đau lòng này

Google News

Từ khi lấy chồng, tôi và mẹ chồng chưa một lần được câu nói thân thiết. Bỗng dưng nhận được gói thuốc nam mẹ gửi cùng lá thư tay mẹ viết, lòng tôi bỗng chùng xuống.
 

Sáng sớm, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ nhà xe chở khách. "Chị ơi, chị có một bưu kiện của người nhà gửi từ quê, chị ra bến nhận nhé!". Tôi vội vàng phi ra bến xe để nhận đồ. Đó là một bịch thuốc nam hà thủ ô mà mẹ chồng gửi cho tôi. Đặc biệt, trong đó có một tờ giấy, là bức thư tay do mẹ chồng tôi viết.
"Thư con! Mẹ thấy tóc con bạc nhiều quá nên mẹ cắt mấy thang hà thủ đô cho con. Con nhớ uống đều đặn, 10 viên/lần, ngày 3 lần, sau mỗi bữa ăn…".
Tôi về làm dâu của bà đến nay đã 10 năm. Quãng thời gian nghe thì có vẻ dài nhưng kỳ thực, mẹ con chẳng mấy khi gặp gỡ hay chuyện trò. Tôi không ghét bỏ mẹ chồng, mẹ cũng không cay nghiệt với nàng dâu, nhưng giữa chúng tôi dường như chẳng có sự liên kết, ràng buộc nào.
Có lần, mẹ chồng lên thành phố chơi. Thấy chồng tôi vừa đi làm về đã lao vào bếp cơm cơm nước nước trong khi tôi thì cắm mặt vào chiếc laptop. Bà tỏ ý không hài lòng: "Chị thu xếp công việc rồi xem thế nào chứ ai lại để đàn ông chui vào bếp thế kia?".
Nhan qua me chong gui, toi giat minh nhan ra dieu dau long nay
Ảnh minh họa 
- Ai rảnh thì vào bếp thôi, sao lại phân biệt đàn ông hay đàn bà, hả mẹ? - Sự thẳng thắn của tôi chắc cũng ít nhiều khiến bà bận lòng.
Còn tôi, tôi không thích lối sống lạc hậu, cục bộ của mẹ chồng. Cả 2 lần tôi sinh cháu là hai lần vợ chồng tôi gọi điện về nhờ bà nội ra đỡ đần nhưng lần nào vợ chồng rôi cũng chỉ nhận được những câu trả lời: "Ôi giời, cứ nhờ bà ngoại. Cháu bà nội, tội bà ngoại. Từ xưa đến giờ các cụ đã dạy thế rồi!".
Tính tôi thẳng thắn bao nhiêu thì mẹ chồng lại thuộc tuýp hoạt ngôn, "mồm miệng đỡ chân tay" bấy nhiêu. Người ngoài chỉ dăm ba câu xã giao với bà thì thấy thích cách nói chuyện ấy nhưng với tôi, tôi thấy như vậy là không thật lòng.
Những lần con tôi ốm, phải nằm viện, bao giờ khi con tôi ra viện, mẹ chồng mới gọi điện cho tôi và bảo: "Đến hôm nay mẹ với hay tin cháu nằm viện, chứ nếu không, mẹ đã ra thành phố để giúp các con chăm cháu rồi". Nhưng kỳ thực, những ngày con ở viện, tôi đều thấy chồng nói chuyện điện thoại với mẹ về tình hình của cháu.
Nhớ nhất là cái lần chúng tôi xây nhà, còn thiếu 300 triệu nữa nên phải vay mượn họ hàng, nhưng mẹ chồng tuyệt nhiên không cho vay đồng nào. Đã vậy, bà còn kể: "Tháng trước mẹ đi khám, tốn vài triệu, nhà cũng không có tiền, mẹ phải sang vay hàng xóm". Ấy vậy mà tôi lại nghe người ở quê kể rằng, mẹ chồng tôi cứ tháng tháng lĩnh lương hưu là đi đến tiệm mua vàng tích trữ, thậm chí, bà còn cho người ở quê vay lấy lãi. Cũng phải, bố mẹ chồng tôi lương hưu theo chế độ chuyên viên cao cấp nên cũng có của ăn của để mà.
Thường thì 1 năm, cả gia đình tôi chỉ về quê có 2 lần, một là vào dịp nghỉ hè của các con và 1 dịp nữa là vào Tết Nguyên Đán. Đến tôi sinh bé út, "bắt thóp" được việc chồng chiều chuộng con gái nên tôi thoả thuận ngay: "Từ giờ 1 năm Tết nội, 1 năm Tết ngoại, có như thế, sau này con gái đi lấy chồng, nó mới nhớ đến bố mẹ đẻ và về ăn Tết với bố mẹ đẻ chứ". Thế là tôi lại càng được thể… hạn chế gặp mẹ chồng.
Những lần bà nội gọi điện ra, tôi luôn tìm cách thoái thác không nghe điện mà "ném" chiếc điện thoại về phía chồng con. Thậm chí, khi loa điện thoại bật to, tôi nghe thấy bà đang hỏi han các con về tôi nhưng tôi cứ lờ đi, coi như không nghe thấy bà hỏi thăm, coi như mình đang không ở bên cạnh con. Nhiều lần, chồng tôi góp ý: "Bà gọi điện ra thì em chào bà một tiếng cho bà đỡ tủi thân", nhưng tôi bỏ ngoài tai những lời chồng nói. Mẹ chồng ít nhiều cũng nhận thấy thái độ của tôi nên bấy lâu nay, bà không gọi vào điện thoại của tôi nữa mà chỉ gọi vào máy của chồng tôi.
Hôm nay, bỗng nhận được bịch thuốc Nam do mẹ chồng gửi ra cùng bức thư với những lời dặn dò rất quan tâm. Tôi lại thấy suy nghĩ nhiều. Đành rằng, mẹ chồng "2D" nàng dâu, mỗi người mỗi tính nhưng ngẫm ra, những năm qua, mẹ chồng chưa một lần xét nét với tôi mà chỉ có tôi là luôn thể hiện thái độ không thân thiện với bà mà thôi…
Theo Vũ Vũ/Phụ nữ Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)