Thiếu thuốc, thiếu phác đồ điều trị sốt xuất huyết
Ngay từ tháng 4/2022, khi ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, TP đã điều chỉnh phác đồ điều trị SXH trong bối cảnh dung dịch truyền chủ lực là Dextran 40 và HES 200.000 chống sốc không có. Ngành y tế phải chuyển qua dung dịch HES 130.000.
|
PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đi kiểm tra tình hình điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Quận 8, TPHCM. |
Trong khi đó, dịch truyền HES 130.000 này trong phác đồ điều trị SXH của Bộ Y tế không được đề cập. Bảo hiểm y tế cũng không thanh toán khi bệnh viện dùng loại dịch truyền này trong điều trị SXH.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 1 báo cáo trong buổi làm việc với Bộ Y tế ngày 27/6, các bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm điều trị SXH cho người bệnh.
Thêm vào đó, nguy cơ diễn tiến nặng tập trung ở nhóm trẻ em béo phì, phụ nữ có thai. Hướng dẫn điều trị SXH, ngay cả hướng dẫn quốc gia, hiện cũng chưa có nhóm riêng này. Thế giới cũng không có hướng dẫn điều trị cho thai phụ mắc SXH.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong thời gian qua tiếp nhận nhiều ca thai phụ mắc SXH nặng. Như trường hợp của bệnh nhân Trần C T (1996, Quận 11 - TPHCM) nhập viện trong tình trạng SXH nặng, thể sốc nặng, xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan, thai 10 tuần chết lưu, theo dõi nhiễm trùng huyết. Sau hai ngày điều trị tích cực, người nhà đã xin đưa bệnh nhân về.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, Sở Y tế TP HCM đã giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM phối hợp với các bệnh viện phụ sản và những bệnh viện có khoa hồi sức sơ sinh, để xây dựng một phác đồ điều trị cho thai phụ mắc SXH.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tử vong do SXH là do sau một thời gian biến động đối phó với Covid-19, không tiếp cận với SXH, luân chuyển nhân sự ngành y tế… nhiều nơi “quên bài” SXH, không kịp thời nhận ra các dấu hiệu cảnh báo nên nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện khi đã quá nặng, tỷ lệ tử vong tăng lên.
“Tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi, 3 trường hợp tử vong do SXH. Cả ba trường hợp này đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy và tử vong tại bệnh viện này. Từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi về đến thành phố cũng mất đến 2h. Nguy cơ chuyển viện không an toàn đối với bệnh nhân SXH hoàn toàn có thể xảy ra,” TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết.
Do đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM phải tiến hành tập huấn lại toàn bộ chẩn đoán, phát hiện và điều trị SXH cho các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi. Bệnh viện này hiện có lực lượng bác sĩ trẻ nhiều, chưa có kinh nghiệm.
Nếu có ca nặng, các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM sẽ tiến hành hội chẩn với các bệnh viện tuyến dưới, tái khởi động hệ thống cấp cứu liên viện, tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới ngay tại chỗ, tránh chuyển viện bệnh nhân nặng không an toàn vì đường xa.
Các tỉnh cần có quỹ dự phòng mua sắm thuốc, vật tư y tế quý hiếm
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu kiến nghị, cần có nguồn kinh phí cho các bác sĩ bệnh viện tuyến cuối trong hoạt động chỉ đạo tuyến. Hiện nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP được phân công là tuyến cuối tại khu vực phía Nam về điều trị SXH.
Các bệnh viện thường xuyên đi tập huấn cho các tỉnh, tránh tình trạng chuyển viện vì sốt xuất huyết chuyển tuyến thường không an toàn. Nhưng trong thời gian vừa qua, nguồn kinh phí này không còn, trong khi các bệnh viện tự chủ và không quyết toán được.
Ngoài ra, Dextran 40 vẫn là dung dịch chính yếu trong điều trị SXH, vì vậy lãnh đạo ngành y tế TPHCM đề nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hỗ trợ các công ty dược phẩm nhập thuốc và có hướng sản xuất Dextran trong nước.
Theo lý giải của TS.BS Vĩnh Châu, trên thế giới hiện nay không ai sử dụng Dextran nữa vì các tác dụng phụ của nó trong hồi sức, nhưng đối với SXH, Dextran vẫn đóng vai trò quan trọng điều trị sốc.
Cảnh báo các phòng mạch tư gây nguy hiểm đến người bệnh khi “Sốt cũng truyền dịch! Mệt cũng truyền dịch!”
PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đề nghị Sở Y tế TP HCM phải tăng cường tập huấn không chỉ cho các nhân viên y tế tại những bệnh viện, trạm y tế…,mà còn cho lực lượng bác sĩ của các hệ thống phòng mạch tư để nhận diện SXH, đừng bỏ qua các triệu chứng cảnh báo bệnh nặng. Đặc biệt, những ngày thứ tư, thứ năm của bệnh SXH, người bệnh rất dễ trở nặng.
|
PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, yêu cầu tăng cường tập huấn cho các bác sĩ của hệ thống phòng mạch tư trong nhận diện sốt xuất huyết. |
Hơn thế nữa, nhiều phòng mạch tư do không nhận diện được bệnh SXH nên thường có chỉ định truyền dịch khi bệnh nhân bị sốt, bị mệt. Bệnh nhân SXH do vậy khi nhập viện thường có tình trạng nguy kịch ứ nước và vào sốc.
Lăng quăng, muỗi gây bệnh SXH vẫn còn chưa “tiêu diệt” hết
Theo BSCKII Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, SXH tăng 51% so với cùng kỳ, tăng 61% so với trung bình 2016 - 2020. Không chỉ những quận huyện vùng ven, trọng điểm SXH, các nơi thường có số ca mắc/ 100.000 dân thấp năm nay cũng tăng nhiều như huyện Cần Giờ, Quận 1. Đến nay, TP HCM có 10 ca tử vong.
|
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, số ca SXH tăng và nặng chứng tỏ lăng quăng và muỗi gây bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt. |
PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, nhấn mạnh, bắt đầu những tháng mưa, bên cạnh dịch SXH, ngành y tế còn phải đương đầu với ca mắc Covid-19, tay chân miệng, sốt phát ban… Dịch bệnh chồng chéo cũng ảnh hưởng đến chẩn đoán, điều trị.
Đỉnh dịch SXH có thể vào tháng 8 và tháng 9 tới. Tuy nhiên, theo PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, số ca tăng và nặng chứng tỏ lăng quăng và muỗi gây bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt.
Qua khảo sát từ các đội đặc nhiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều khu vực nguy cơ, “tích trữ” các ổ lăng quăng, ổ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng: