Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp gây 200 loại bệnh tật, chấn thương.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao. Các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gồm tai nạn giao thông, mất trật tự an ninh trật tự... Bên cạnh đó, sức khoẻ suy giảm nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong hơn 3 triệu cái chết mỗi năm do bia rượu gây ra, quá 75% là nam giới. Sử dụng rượu, bia gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như rối loạn tâm thần kinh, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai, suy giảm miễn dịch...
Các chuyên gia khuyến cáo, bia, rượu nói chung có hại nhiều hơn có lợi. Dù bia hay rượu với nồng độ, hương vị là gì thì bản chất vẫn là ethanol. Do vậy nếu, bia hay rượu vang uống quá nhiều đều gây hại cho gan và toàn bộ cơ thể.
|
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, mọi người không nên cố săn lùng những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không có một loại thuốc giải độc nào chống được say rượu chứng minh có tác dụng hiệu quả rõ ràng. Ảnh minh hoạ: Internet |
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, có rất nhiều sai lầm mọi người hay mắc phải khi giải rượu cho người uống rượu say. Một trong những sai lầm khi giải rượu nhiều người mắc phải là cho người say rượu uống nước chanh hoặc các đồ uống chua.
Tuy nhiên, nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với nước uống chua dễ gây nôn thêm, tổn thương dạ dày do có axit. Nên cho họ uống các đồ uống có đường, muối như nước đường, mật ong, nước canh…
Thứ hai, việc gây nôn để giải rượu cũng cần phải lưu ý. Trường hợp uống rượu xong vẫn tỉnh táo, nói chuyện được bình thường có thể gây nôn nhưng trong tình trạng không tỉnh mà cố gây nôn sẽ rất nguy hiểm. Việc cố ép gây nôn dễ sặc, chất nôn nhiều có thể bị tràn vào phổi dễ gây viêm phổi.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, mọi người không nên cố săn lùng những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không có một loại thuốc giải độc nào chống được say rượu chứng minh có tác dụng hiệu quả rõ ràng. Các loại thuốc giải rượu chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần bù lại một số chất vitamin, muối, đường chứ không thể làm thay đổi hẳn việc đang hôn mê, ức chế thần kinh do ngộ độc rượu khi uống vào tỉnh trở lại là không có.
Không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, Aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa.
Khi say cũng lưu ý, không uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.
Theo các BS, say rượu cần được coi là cấp cứu. Uống rượu say gây ảnh hưởng tới toàn cơ thể, ở mức ngộ độc rượu sẽ ảnh hưởng trước hết tới các hệ cơ quan quan trọng như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh...
Vì vậy, phải đưa ngay bệnh nhân say rượu, ngộ độc rượu tới các cơ sở y tế có các y, bác sĩ đã được đào tạo về cấp cứu chống độc.
Các dấu hiệu nguy hiểm cần phải phân biệt và xử trí ngay là: hôn mê (gọi không tỉnh), co giật; suy hô hấp (thở chậm; ngừng thở; ứ đọng đờm dãi; chất nôn, dịch dạ dày trào ngược vào phổi do bệnh nhân hôn mê không còn phản xạ bảo vệ đường hô hấp...), suy tuần hoàn (tụt huyết áp, không bắt được mạch, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim...) và các dấu hiệu nguy hiểm khác như hạ đường huyết, chấn thương...