Một ngày của họ bắt đầu lúc gần 5 giờ sáng. Bà Ngân thức dậy, nấu ăn dành cho cả ngày hôm đó. Ông Sang vệ sinh cá nhân và chuẩn bị ăn sáng để đi bán vé số.
Do bị tai biến liệt nửa người nên ông chỉ đi bán ở gần khu ông sống. Kể từ ngày ông Sang trở về, bà Ngân đi làm giúp việc đến nay đã gần 5 năm.
Buổi trưa, ông bà mới trở về căn nhà trọ nhỏ để nghỉ ngơi. Chiếc giường của ông, chiếc võng của bà Ngân với đủ thứ đồ linh kỉnh khiến căn phòng trở nên chật hẹp, bí bách.
|
Ông Ngô Văn Sang (tên đi hát là Trang Kim Sa) ngồi nghỉ trưa trên chiếc giường ở căn nhà thuê 16m2. |
Cuộc hôn nhân buồn
Ngồi trên giường, ông Sang kể, lúc còn nhỏ, ông sống cùng bố mẹ ở quận 1 (TP.HCM). Tuổi thơ êm đềm cứ thế qua đi. Đến năm 14 tuổi, ông bắt đầu nhận ra bản thân có những cảm nhận khác với mọi người. Lúc nào, ông cũng khao khát muốn trở thành phụ nữ. Thế nhưng, trước mặt mọi người, ông luôn gồng mình để thể hiện bản thân như một người con trai.
“Quãng thời gian năm 14 tuổi, tôi nhận thức được tình cảm của mình. Lúc đó, tôi thấy cuộc sống của tôi không bình thường. Tôi luôn muốn trở thành phụ nữ và dành tình cảm cho phái nam. Hồi xưa, vấn đề kỳ thị người chuyển giới khá rõ rệt. Thành ra, sống trong môi trường đó, tôi luôn phải né tránh, che giấu bản thân mình trước mọi người”, ông Sang cho biết.
Hồi đó, bà Ngân phụ giúp bán hoa quả cho nhà chú bên cạnh nhà ông. Bà Ngân cho biết, lúc đó, ông Sang đẹp trai, thư sinh, lại con nhà giàu. Sau nhiều lần tiếp xúc với ông Sang, bà Ngân thương thầm trộm nhớ ông. Trong khi đó, thỉnh thoảng, ông Sang viết thư cho bà khiến bà nghĩ ông có tìm cảm với mình.
Lúc ông Sang đang học trung học thì bố mẹ ông mất. Vì vậy, ông phải tự lập vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống của mình.
Thời gian sau, ông đi nghĩa vụ quân sự, rồi làm việc Cần Thơ. Trong khi đó, bà Ngân vẫn luôn bên cạnh và chờ đợi ông. Năm 1978, ông Sang trở về Sài Gòn và sống với bà Ngân. Họ có sính lễ nhưng không tổ chức đám cưới, không đăng ký kết hôn.
Năm 1979, bà sinh con gái đầu lòng. Sống với bà Ngân nhưng trong thâm tâm, ông vẫn luôn dành tình cảm cho phái nam. Chính vì điều này, những biến cố bắt đầu xảy ra trong gia đình họ.
Hằng đêm ông Sang đều đi ra ngoài đến sáng hôm sau mới về. Mới đầu, bà Ngân nghĩ chồng ra ngoài kiếm tiền lo cho gia đình. Thế nhưng, ông không có những cử chỉ gần gũi, quan tâm bà Ngân như một người chồng. Thấy vậy, bà Ngân bắt đầu cảm thấy nghi ngờ, nghĩ chồng có tình nhân bên ngoài.
Trong một lần, bà bám theo chồng đến một quán ăn. Tại đây, bà phát hiện chồng đang ôm ấp một người có mái tóc dài. Thoạt nhìn, bà nghĩ là phụ nữ. Khi tiến lại gần, bà bàng hoàng nhận ra ông Sang đang tay trong tay với một người đàn ông khác.
"Lúc đó, tôi buồn và không biết mình phải nói gì với chồng. Tôi không biết ông ấy bị sao vì hồi xưa đâu có vụ đồng tính luyến ái gì đâu", bà Ngân cho biết.
Bỏ qua mọi chuyện, vợ chồng bà Ngân vẫn sống với nhau nhưng tình cảm lạnh nhạt.
Sau nhiều lần giao lưu với bạn bè, biểu diễn ở đám cưới, giới nghệ sĩ biết đến giọng ca của ông. Nhờ đó ông được giới thiệu tham gia đoàn cải lương Tây Ninh.
Nhân cơ hội này, không một lời nói từ biệt, ông Sang bỏ vợ con đi theo đoàn đi biểu diễn từ Nam ra đến ngoài Bắc.
Ông Sang chia sẻ, lúc đó, ông sống với vợ nhưng không có tình cảm. Ông bỏ đi vì muốn giải thoát cho vợ. Ông không muốn làm khổ người phụ nữ đã hi sinh cuộc đời vì mình. Đồng thời, theo ông Sang, việc đi hát giúp ông có môi trường thuận lợi để làm quen và yêu con trai.
“Chúng tôi không chia tay nhưng không ở với nhau nữa. Bà ấy muốn làm gì thì làm. Tôi không trách bà ấy. Bà ấy không hiểu, không đồng cảm với tôi”, ông Sang nói.
Không lâu sau đó, bà Ngân cũng bồng bế con bỏ về quê ở Chợ Lớn hồi đó. Ở đây, bà làm đầu biếp, một mình nuôi con đến tuổi trường thành rồi gả chồng cho con gái.
Về phần ông Sang, trong lúc đi hát, mới đầu, ông lấy tên và ăn mặc như con trai. Tuy nhiên, đến năm 43 tuổi - năm 1983, ông muốn được sống là chính bản thân mình nên quyết tâm thay đổi.
Số tiền đi hát được ông dành hết để mua sắm quần áo để ăn mặc sao cho giống phụ nữ. Ngoài ra, để hấp dẫn trong mắt những người đàn ông khác, ông Sang còn mua silicon để tiêm nhằm có phần ngực nở nang. Tuy nhiên, may mắn, ông vẫn giữ được mạng sống của mình.
Ông Sang cho biết thêm, do khao khát có vòng một “khủng” nên những người bạn của ông tiêm số lượng lớn silicon vào người. Kết quả, nhiều người đã chết sau đó.
Ngày trở về
Ba Ngân chia sẻ, hồi đó, bà không biết chồng là người chuyển giới nên ở quê, mỗi ngày, bà đều ngóng chờ tin tức về chồng. Thế nhưng, từ ngày bỏ đi, mấy chục năm liền, bà bặt vô âm tín về chồng.
Trong khi đó, có nhiều người đàn ông giàu có đem lòng yêu bà nhưng bà vẫn một mực chung thủy chờ chồng quay trở về.
“Hồi đó, nhiều người theo tôi nhưng tôi không đi bước nữa. Bởi vì tôi sợ sau này gả con gái thì người ta sẽ nói nó giống má nó, có khi lấy nhiều chồng. Tôi mặc cảm nên không đi thêm bước nữa. Hơn nữa, tôi cũng chưa nói một lời dứt khoát với chồng của mình”, bà Ngân cho biết.
Năm 2013, trong lúc đi hát, ông Sang bị tai biến nằm viện ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Khi đó, bà mới biết tin về chồng. Bà gửi ra cho ông 2 triệu đồng trả tiền viện phí và mua vé tàu xe trở về để bà chăm sóc. Bởi vì bà biết ông không còn người thân thích và nghĩ tình vợ nghĩa chồng.
Lúc đó, bà Ngân cũng đi làm phụ giúp việc nên sống nay đây mai đó. Khi ông về, bà phải nhờ người thân cho ông Sang ở nhờ. Còn bà lặn lội đi tìm nhà trọ để có thể đưa ông về chăm sóc.
Trong căn phòng trọ, ngồi trên chiếc võng, bà Ngân cho biết: “Tôi không còn trách ông ấy nữa. Giờ chúng tôi lớn tuổi rồi nên tôi coi ông ấy cũng giống như một người bạn vậy thôi. Tôi vẫn làm tròn bổn phận lo cho ông ấy. Còn ngoài ra, chuyện ăn ở vợ chồng thì không có”.
|
Sau nhiều sóng gió, bà Ngân đã tha thứ cho chồng. Giờ họ coi nhau như tri kỉ. |
Giờ đây, ông Sang không còn ăn mặc như phụ nữ nữa. Ông mặc những bộ đồ con trai. Tuy vậy, trên gương mặt ông vẫn hằn in những dấu vết của việc xăm lông mày, lông mi.
“Giờ lớn tuổi rồi, tôi chỉ mặc đơn giản. Còn người ta thích gọi tôi là cô hay chú thì tùy họ đánh giá", ông Sang cho hay.
Sau nhiều sóng gió, họ cho biết, giờ đây họ coi nhau như tri kỉ và nương tựa vào nhau lúc về già. “Bây giờ, cứ sống vui vẻ, tôi không nghĩ gì nữa. Bữa nào có tiền nhiều chút thì mua đồ ăn ngon. Không thì rau cháo sống qua ngày”, bà Nga chia sẻ.