Béo phì
Nguyên nhân dẫn đến béo phì chủ yếu là do chế độ ăn uống không hợp lý, chứa quá nhiều mỡ động vật, thịt, đường, bột... gây dư thừa năng lượng. Khi rơi vào tình trạng béo phì, người ta có xu hướng trở nên lười vận động. Lúc này, năng lượng thừa không được tiêu hao mà tích trữ dưới dạng mỡ nên càng béo hơn. Béo phì cũng dẫn tới hàng loạt các bệnh khác như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đau xương khớp.
Theo ý kiến của các chuyên gia, cách tốt nhất để bạn ăn thịt mà không gây tăng cân là tránh ăn thịt mỡ, nên sử dụng phần thịt nạc vì phần này chứa nhiều chất sắt, protein, vitamin và ít chất béo.
Bệnh gan
Gan có chức năng tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể và loại bỏ các chất độc hại ra bên ngoài. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều thịt và mỡ động vật sẽ làm tăng gánh nặng cho gan. Khi gan làm việc quá sức sẽ dẫn đến những tổn thương. Ăn nhiều thịt và mỡ sẽ gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, hóa xơ, hóa sẹo.
Bệnh tim mạch
Nghiên cứu của Trường Đại học Harvard cho thấy, huyết áp trung bình của người ăn chay giảm rõ rệt so với người ăn thịt. Ngoài ra, nồng độ cholesterol trong máu của người ăn thịt cũng cao gấp nhiều lần so với người ăn chay. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới chứng xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Ngày càng nhiều các chuyên gia đưa ra chế độ ăn hạn chế thịt hoặc thuyết phục người bệnh ngừng sử dụng thịt để bảo vệ sức khỏe.
Bệnh tiểu đường
Chế độ ăn nhiều thịt, đặc biệt là loại thịt có chứa nhiều mỡ làm tăng axit béo và triglycerid. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2. Các axit béo dư thừa trong máu và triglycerid sẽ ức chế hoạt động của insulin. Điều này dẫn đến việc kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng insulin vẫn bình thường hoặc chỉ hơi tăng nhưng đường huyết của bệnh nhân lại rất cao. Nếu thay đổi chế độ ăn uống bằng cách giảm lượng thịt tiêu thụ hoặc chuyển sang chế độ ăn chay thì lượng đường trong máu sẽ giảm hẳn và nồng độ axit béo cũng trở về mức an toàn.
Bệnh thận
Nghiên cứu chỉ ra rằng để bài tiết các hợp chất nitơ độc hại do tiêu thụ nhiều thịt thì thì thận phải làm việc gấp 3 lần so với thận của người ăn chay. Urê và axit uric là hai chất thải độc hại đối với cơ thể của chế độ ăn nhiều thịt. Khi còn trẻ, thận khỏe mạnh thì việc loại bỏ các chất này diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khi đã cao tuổi, chức năng thận suy yếu thì việc đào thải chất độc lại trở thành gánh nặng cho thận. Kết quả là thận không thể thải độc hiệu quả và gây ra nhiều bệnh tật.
Bệnh gút
Khi thận hoạt động không tốt, không có khả năng lọc thải hết các chất chứa nitơ độc hại thì creatinin và axit uric trong máu sẽ tăng cao. Khi nồng độ axit uric vượt quá ngưỡng, chúng sẽ lắng đọng lại trong các khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân và gây ra bệnh gút. Tại các khớp, axit uric đọng lại kết tinh thành tinh thể và tạo ra phản ứng viêm, gây đau nhức cho bệnh nhân.
Ăn thịt bao nhiêu là đủ
Để đảm bảo dinh dưỡng, theo các nhà nghiên cứu, một người bình thường không nên ăn quá 300 - 500g thịt đỏ (bò, lợn, bê...) mỗi tuần. Nên ăn nhiều cá và thịt gia cầm thay cho thịt đỏ, mỗi tuần có thể ăn 2 lần, mỗi lần ăn từ 100 - 150g. Nên chế biến bằng cách luộc, hầm; tránh sử dụng nước sốt quá béo cũng như nướng thịt bằng than hoặc lò nướng.