Các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Ảnh: Kim Vân
Sáng 4/11, BSCK II Đặng Quý Đức - Phó Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị này vừa cứu sống một nam thanh niên bị điện giật, đã ngưng tim, ngưng thở bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.
Trước đó, vào ngày 28/10, anh N.H.T, 26 tuổi, là thợ điện, đang sửa tôn trên mái nhà thì bị điện giật té xuống do rò điện khiến ngưng tim, ngưng thở. Bệnh nhân được người nhà phát hiện và tiến hành sơ cứu, rồi được chuyển vào Bệnh viện huyện Bình Chánh.
Tại Bệnh viện huyện Bình Chánh, bệnh nhân được hồi sức tim phổi nâng cao. Sau khi hồi sức 45 phút, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, không đáp ứng kích thích đau vào giờ thứ 8 sau tai nạn. Các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch sử dụng một biện pháp kỹ thuật tương đối mới đó là hạ thân nhiệt, giúp bệnh nhân giảm thiểu những tổn thương lên não, lên tim. Theo đó, bệnh nhân được hạ thân nhiệt chỉ huy xuống 36 độ C kéo dài trong 48 tiếng. Sau 24 tiếng, bệnh nhân đã từ từ hồi tỉnh và sau 2 ngày, bệnh nhân hoàn toàn hồi phục về ý thức, tri giác. Được biết, kỹ thuật này đã được Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng với nhiều bệnh nhân và đem lại hiệu quả tốt cho các bệnh nhân.
Bệnh nhân T. đã được hồi sinh dù đã ngưng tim, ngưng thở. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo Ths.BS Nguyễn Trường Duy, Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, may mắn là bệnh nhân không bị chấn thương xương, da và sọ não. Song song với quá trình kiểm soát thân nhiệt trung tâm chỉ huy, các bác sĩ đã dùng các thuốc hỗ trợ sức co bóp cơ tim, cải thiện huyết động và tuần hoàn bệnh nhân. Sau 3 ngày tiến hành điều trị hạ thân nhiệt, tri giác bệnh nhân được cải thiện tốt, bệnh nhân đã có phản xạ mắt, tay và thực hiện đúng y lệnh của bác sĩ. Theo đó, bệnh nhân được hồi phục gần như 100%, hiện ăn uống, sinh bình thường, trí nhớ được hồi phục. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân không có di chứng tổn thương não về cả vận động và thần kinh, có thể sinh hoạt, lao động như trước tai nạn.
Có mặt tại buổi họp báo chia sẻ thông tin áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt sáng nay (4/11), anh N.H.T, vui vẻ trò chuyện cùng phóng viên các báo, đài sau khi trở về từ "cửa tử": "Tôi rất vui vì được cứu sống trở về với vợ và hai con. Cảm ơn các bác sĩ, những người đã cứu sống tôi rất là nhiều".
Ê-kíp y bác sĩ Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy chúc mừng bệnh nhân N.H.T đã trở về từ "cửa tử". Ảnh: Kim Vân
Qua trường hợp bệnh nhân trên, BSCK II Đặng Quý Đức - Phó Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo người dân khi phát hiện ra bệnh nhân đột ngột ngưng tim, ngưng thở, thì người nhà bệnh nhân phải lập tức sơ cứu để có thể bảo tồn lưu lượng máu nuôi tim, nuôi não, nuôi các cơ quan nội tạng quan trọng cho bệnh nhân. Và trong thời gian ngắn nhất phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, nếu làm được hạ thân nhiệt thì tốt còn không phải làm hồi sức ngưng tim, ngưng thở cao cấp hơn. Sau đó chuyển tới trung tâm có thể làm phương pháp hạ thân nhiệt hoặc kỹ thuật cao hơn nữa để cải thiện được ý thức, tri giác, đảm bảo cho bệnh nhân có thể trở về sinh hoạt bình thường như trước khi bị tai nạn.
TS.BS Hồ Văn Sỹ, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, hạ thân nhiệt là kỹ thuật làm lạnh chủ động để đưa thân nhiệt bệnh nhân xuống 33-36 độ C. Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân hôn mê, ngưng hô hấp tuần hoàn. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân giảm các tổn thương lên tim, não, hồi phục tri giác và trở về cuộc sống như người bình thường.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Khoa Nội Tim mạch nhận các bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên trong đó có những bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở. Nếu bệnh nhân được sơ cứu ban đầu tốt thì khi chuyển tới bệnh viện, được ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt có thể cứu sống bệnh nhân.
Về chi phí, kỹ thuật hạ thân nhiệt đòi hỏi một số dụng cụ, thiết bị nên mất khoảng 25-28 triệu đồng/ca bệnh, trong khi đó bảo hiểm chưa chi trả. Do vậy, TS.BS Hồ Văn Sỹ hy vọng thời gian tới các bệnh nhân sẽ được xem xét hỗ trợ chi trả để ngày càng có nhiều người được tiếp cận với phương pháp y học hiện đại này.