Có nhiều người không khỏi thắc mắc về việc mình chẳng làm gì sai nhưng lại bị đồng nghiệp ganh ghét, nói xấu hay sống "hai mặt". Trên thực tế thì việc bạn tốt và việc bạn bị đơm đặt tin đồn không quá liên quan đến nhau.
Môi trường công sở vốn là nơi khá phức tạp, khi bạn gặp gỡ, giao lưu và tương tác với đồng nghiệp trong thời gian còn nhiều hơn với người thân trong gia đình. Việc xuất hiện sự ganh đua, nói xấu nhau giữa nhân viên với sếp hay giữa nhân viên với nhau là điều khó tránh khỏi.
Vân Anh ra trường đã 5 năm và được đánh giá là một nhân viên chăm chỉ. Vì còn trẻ nên cô rất chịu khó học hỏi, có chí tiến thủ và luôn sẵn sàng để đón nhận những điều mới. Thế nhưng sau khi chuyển sang công ty mới, nơi cô vẫn tưởng là "môi trường làm việc" trong mơ được 5 tháng, Vân Anh vô tình phát hiện người chị đồng nghiệp dù trước mặt chị chị em em nhưng sau lưng lại chính là người đơm đặt, nói xấu cô.
|
Ảnh minh họa. |
“Tôi luôn nghĩ mình còn phải cố gắng rất nhiều nên chưa bao giờ ngại bất cứ công việc gì được giao. Tôi nghĩ mình cũng là người biết trước biết sau, cư xử biết điều với các anh chị em song cuối cùng tôi lại phát hiện mình bị chính người chị làm cùng tung nhiều tin đồn nhảm.
Vì một dự án mới mà chúng tôi làm việc với nhau nhiều hơn. Bình thường hai chị em vẫn chơi với nhau, nhiều hôm còn đi ăn trưa với nhau nhưng có lẽ chị cảm thấy vị trí của chị bị tôi đe dọa hay vì một nguyên nhân nào đó mà đã tìm cách cạnh tranh không lành mạnh với tôi. Tôi không phải người chịu áp lực kiểu này tốt. Tôi chỉ muốn một nơi để mình có thể học hỏi và cống hiến thôi. Tôi phải làm gì đây?".
Thực ra những trường hợp như Vân Anh trong thực tế rất nhiều. Chốn công sở rất đa dạng kiểu người. Bên cạnh những đồng nghiệp dễ chịu, có không ít những thành phần khiến người khác cảm thấy ức chế và chuyện bị đơm đặt, nói xấu xảy ra không chỉ với nhân viên mới mà ngay cả những "ma cũ" cũng không tránh khỏi. Sau khi câu chuyện gặp đồng nghiệp sống "hai mặt" được chia sẻ, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cũng như lời khuyên được gửi đến cô nàng Vân Anh.
"Bơ đi mà sống em ơi. Ở môi trườn nào cũng vậy cả thôi. Giờ mình có nghỉ việc sang chỗ mới cũng sẽ xuất hiện những chị đồng nghiệp như vậy".
"Phải lên tiếng luôn đi chứ. Tốt nhất nói thẳng với chị ta hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của cấp trên. Bạn nhân nhượng một lần, họ sẽ có lần sau và ngày càng lấn tới".
"Nói thì dễ nhưng làm thì không đơn giản chút nào. Trước đây mình từng chứng kiến một cô bé công ty mình đã rơi vào trầm cảm vì bị đồng nghiệp đặt điều nói xấu mà không biết phải làm sao để xử lý đấy".
Công sở là nơi bạn dành phần lớn thời gian trong ngày, nếu không muốn nói thời gian bạn gặp đồng nghiệp còn nhiều hơn thời gian gặp vợ/chồng. Chính vì vậy, việc giữ môi trường làm việc tốt là điều rất nên làm. Đừng quá căng thẳng hay nóng vội khi phát hiện mình đang bị đồng nghiệp chơi xấu.
Theo Wall Street Journal, một nghiên cứu do Đại học Georgetown và Trường Quản lý Toàn cầu Thunderbird thực hiện cho kết quả rằng, có tới 69% nhân viên được hỏi cho biết từng bị đồng nghiệp chơi xấu và 98% cho biết từng chứng kiến hành vi chơi xấu trong môi trường công sở.
Vì chút chiêu trò của đồng nghiệp mà phải rời đi nơi khác hay sử dụng lại chiến thuật “bẩn” để "gậy ông đập lưng ông" thì thật là không nên. Làm như vậy bạn sẽ chẳng khác gì người đồng nghiệp xấu tính kia. Theo các chuyên gia tâm lý học, hãy luôn nhớ 5 chiến thuật sau đây để làm chủ tình hình khi bị đồng nghiệp chơi xấu.
1. Một nụ cười để “dằn mặt” đối phương
Mỉm cười là điều quan trọng nhất khi bạn muốn đối phó với đồng nghiệp xấu tính. “Chúng ta hiếm khi thực sự hiểu về những người làm việc cùng”. Theo chuyên gia tâm lý học Shawn Achor, “những đồng nghiệp xấu tính thường có điều gì đó không hạnh phúc trong cuộc sống riêng của họ”.
Theo đó, lời khuyên được đưa ra là hãy cố gắng thể hiện sự trắc ẩn và nhân hậu. Mỗi khi có thể, hãy mỉm cười và đối xử tử tế với đồng nghiệp xấu tính. Trở nên nóng nảy, không kiểm soát được tình hình sẽ khiến bạn khó có thể đưa ra được cách hành xử khôn ngoan.
Bạn có thể tìm đến, nói chuyện một cách khéo léo với người đồng nghiệp kia về tin đồn thất thiệt mà bạn nghe được. Có thể họ sẽ giải thích rất nhiều để khiến bạn tin tưởng. Hãy mỉm cười và nói với họ rằng bạn chỉ muốn chia sẻ một cách đơn thuần chứ không hề có ý định điều tra, rạch ròi đúng sai. Đây còn là cách để bạn đưa ra một lời cảnh báo ngầm rằng bạn biết hết đó, chỉ là có muốn nói ra không mà thôi.
2. Có một cuốn sổ ghi chép cẩn thận
Để tránh rơi vào tình trạng bị đồng nghiệp bịa đặt nói xấu nhằm cản trở công việc, hãy luôn đi trước họ một bước. Ví dụ đơn giản như, nếu bạn sắp có một buổi thuyết trình, hãy đảm bảo rằng bạn đã ghi chép và lưu trữ đầy đủ nội dung mà bạn sẽ đóng góp. Với những điều bạn chưa muốn công khai, đừng bao giờ nói hay viết ra. Những đồng nghiệp xấu có thể ăn cắp những ý tưởng đó và dùng để làm hại bạn.
Bên cạnh đó, hãy thu thập đầy đủ bằng chứng về việc đồng nghiệp kia gây sự với bạn. Theo ông Robert Sutton, giáo sư Đại học Stanford và là tác giả của cuốn The No Asshole Rule và cuốn The Asshole Survival Guide cho rằng việc ghi lại những bằng chứng sẽ giúp bạn dễ dàng đối phó khi vụ việc có liên quan đến vấn đề pháp lý hoặc nhân sự. Ông đã trích dẫn trường hợp của cựu cố vấn Fox News - Gretchen Carlson. “Cựu cố vấn của Fox News đã thu âm lại những lần nói chuyện của cô với Roger Ailes. Từ những băng ghi âm đó, Carlson đã có thể chứng minh mình bị sếp quấy rối. Sau đó, Roger Ailes đã bị cho nghỉ việc ngay lập tức”.
3. Không so sánh hay cố gắng “ăn thua”
Mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt, có những nét đặc trưng và cá tính riêng. Dù bất kể là ở đâu, với ai thì việc so sánh mình với người khác cũng khiến cho bản thân trở nên tiêu cực. Đặc biệt với những đồng nghiệp xấu, tốt hơn hết bạn đừng bao giờ tìm cách so sánh thiệt hơn hay “ăn thua” với họ.
Cách tốt nhất bạn nên ứng xử chính là im lặng ngay khi người khác có ý định bắt đầu vấn đề bằng cách so sánh người này người kia. Hãy tạo cho mình khả năng “miễn nhiễm” với những so sánh và để người khác “chán” so sánh họ với bạn bằng cách chỉ im lặng mỗi khi họ tìm cách so sánh.
4. Xem xét lợi ích khi hợp tác với đồng nghiệp "hai mặt"
Hãy bình tĩnh khi rơi vào hoàn cảnh này và cố gắng suy nghĩ thật khách quan về người đồng nghiệp xấu tính. Anh ấy/cô ấy có thể buôn chuyện hay đơm đặt song điều đó không có nghĩa năng lực làm việc của họ cũng kém. Trong trường hợp họ thực sự là người có năng lực thì thay vì thể hiện thái độ ghét ra mặt một cách rõ ràng, bạn hãy tập trung vào công viecj giữa hai người hơn.
Sự lựa chọn thông minh hơn chính là tỏ vẻ như mình không biết về những tin đồn kia và và cư xử thân thiện với họ, hợp tác hiệu quả trong công việc. Điều này sẽ khiến bạn trở thành một người rất chuyên nghiệp trong công việc. Sự chuyên nghiệp trong công việc và cách xử sự công tư phân minh của bạn có thể khiến họ cảm thấy xấu hổ và biết đâu đấy, họ có thể thay đổi tính xấu của mình trong tương lai.
Theo chuyên gia Achor: “Nếu anh/cô ấy thực sự là một mối đe dọa, tốt nhất bạn nên tránh. Nhưng nếu không, tại sao không thử hợp tác, làm việc cùng”. “Kẻ thù ngày hôm nay chưa chắc đã là kẻ thù vào ngày mai”.
5. Hãy tin vào thành công bạn sẽ đạt được
Một nghiên cứu khác của chuyên gia Achor về mức độ hạnh phúc và tiến bộ trong môi trường làm việc cho thấy những người biết hỗ trợ đồng nghiệp trong công việc có khả năng được thăng chức cao hơn 40% so với những người còn lại.
Có thể bạn sẽ cảm thấy ban đầu là phiền phức, sau đó là chán nản khi trong môi trường làm việc có những thành phần nói xấu, sống "hai mặt" với mình song đừng bao giờ để điều đó khiến bạn bị tụt lại phía sau. Hãy tập trung vào phát triển các thế mạnh của bản thân, hỗ trợ các đồng nghiệp khác khi có thể, cơ hội thành công sẽ mở ra ngay trước mắt.
“Tốt bụng rất có ích” song hãy nhớ rằng, mọi sự giúp đỡ và tốt bụng đều nên có "chiến lược", không nên tốt với tất cả mọi người hay tốt bụng một cách mù quáng.
Cuối cùng hãy nhớ rằng, trong môi trường công sở khó có thể tránh những đồng nghiệp xấu tính kiểu này. Điều chúng ta có thể làm là chọn cách phản ứng khi phải đối mặt với họ. “Đi với ma mặc áo giấy”, làm việc chung với người xấu tính bạn hãy nhớ những nguyên tắc trên đây và nhớ rằng, đừng bao giờ vì một bộ phận như vậy mà mất niềm tin vào những người xung quanh hay vào chính mình. Giá trị của bạn không nằm ở những điều mà họ thêu dệt, hãy cống hiến và trở thành một phần không thể thiếu của công ty.