Nam thanh niên N.M.H., sinh năm 2000 ở Hà Nội, cho biết cách đây 10 năm bản thân đã quyết định đi bấm lỗ tai để đeo khuyên tai cho "ngầu". Khoảng 1 năm sau, H. đã tháo khuyên tai, thế nhưng sau đó phía tai của nam thanh niên bắt đầu xuất hiện khối thịt nhỏ như đầu tăm.
|
Tai nam thanh niên "mọc hoa" sau khi bấm lỗ tai để đeo khuyên (Ảnh: Bác sĩ cung cấp) |
Anh H. đã tự tay nặn ra và thấy có nhân màu trắng bên trong. Càng nặn, càng tác động thì khối này càng sưng to hơn. Một thời gian sau phần thịt này đã lồi to hơn đầu ngón tay út, gây ngứa ngáy, đau đớn nên anh H. đi khám. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị sẹo lồi tai còn gọi là biến dạng "tai súp lơ".
Từ đó đến nay H. được phẫu thuật 3 lần do mỗi lần phẫu thuật khối sẹo lại phát triển rất nhanh. Gần đây nhất, năm 2018, khi phần sẹo lồi bám vào tai trái thanh niên này to như quả trứng gà, đường kính lên tới 3-4 cm, anh H. quyết định đi phẫu thuật lần thứ 4.
Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân tiêm thuốc kết hợp phẫu thuật, ghép da để xử lý khối sẹo. Lần tái khám mới đây sau gần một 1 năm phẫu thuật, vết sẹo đã xẹp và chưa có biểu hiện tái phát. Theo tiến sĩ- bác sĩ Đào Văn Giang, Phó Khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, dù đánh giá vùng tổn thương của bệnh nhân có tiến triển tốt nhưng chưa thể khẳng định được khối sẹo có thể triệt tiêu hoàn toàn hay không. Với những trường hợp này vẫn có nguy cơ tái nên cần theo dõi điều trị lâu dài.
|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau khoảng 1 năm phẫu thuật cắt "tai súp lơ" |
Các chuyên gia cho biết bệnh sẹo lồi ở tai hay còn gọi là "tai súp lơ" đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, bệnh này thường gặp ở những người bấm khuyên tai hay gặp chấn thương ở tai và các nguyên nhân gây nhiễm trùng…
Tại Bệnh viện Việt Đức, nhiều trường hợp bị sẹo lồi đều có tiền sử bấm khuyên tai và bị nhiễm trùng. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo dù bấm khuyên tai khá đơn giản nhưng cũng cần lựa chọn cơ sở đảm bảo yếu tố vô trùng, tránh nguy cơ gây sẹo lồi cũng như nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh khác.