Ngày 22/6, lãnh đạo UBND xã Bông Krang, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ ngộ độc do ăn sắn luộc khiến 1 cháu bé tử vong, 2 cháu phải nhập viện cấp cứu. Do không có người lớn ở nhà, trong nhà lại sẵn củ sắn nên các cháu tự luộc ăn, làm không đúng cách dẫn tới khi ăn bị ngộ độc.
Cụ thể, chiều 21/6, anh Y Kân Du (30 tuổi, ngụ buôn Ya, xã Bông Krang) đi làm về thì phát hiện con gái là cháu H’Lệ Hoa Đ. (4 tuổi) cùng với 2 người chị họ là cháu H’Nguyệt Đ. (9 tuổi) và cháu H’Uynh Đ. (6 tuổi) có biểu hiện nôn lẫn máu, đau bụng. Các cháu cho biết buổi trưa có luộc sắn ăn.
Nghi các cháu bị ngộ độc củ sắn nên gia đình đã các cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ nhận định cháu H’Nguyệt bị ngộ độc nhẹ nên cho ở lại điều trị, còn cháu H’Lệ Hòa và H’Uynh bị ngộ độc nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cấp cứu.
|
Vụ ngộ độc củ sắn ở Đắk Lắk gần đây khiến 1 cháu bé tử vong, 2 cháu phải nhập viện cấp cứu. Ảnh: SGGP. |
Tuy nhiên, cháu H’Uynh đã tử vong trên đường chuyển viện, còn cháu H’Lệ Hoa may mắn được cứu sống và đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
Theo chị H’Mel Đũng (29 tuổi, mẹ cháu H’Lệ Hoa) cho biết, bình thường các cháu không ăn củ sắn. Nhưng do trưa 21/6, không có người lớn ở nhà, trong nhà lại sẵn củ sắn nên các cháu tự luộc ăn, làm không đúng cách dẫn tới khi ăn bị ngộ độc.
Củ sắn chứa chất cực độc
PGS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, trong củ sắn có chứa lượng axit cyanhydric (HCN) có thể gây ngộ độc. Độc tố này có trong vỏ, ruột, lá sắn, đặc biết là lớp vỏ dày dưới màng hồng tím.
Chất độc HCN khi đi vào cơ thể sẽ làm các mô, nội tạng không sử dụng được oxy gây suy hô hấp, hôn mê, trụy tim mạch. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được sơ cứu đúng cách.
Mời độc giả xem video "Chế biến món ngon từ nấm đông cô". Nguồn: VTC.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, hàm lượng HCN trong các loại sẵn khác nhau sẽ khách nhau. Trong đó, sắn cao sản thường chứa HCN nhiều hơn sắn ngọt thường.
Sắn cao sản thường được dùng để sản xuất bột ngọt, làm thức ăn gia súc. Loại sắn này chứa nhiều độc tố, vị đắng, dễ gây ngộ độc cho người ăn.
Chỉ khoảng 20gr HCN có thể gây ra ngộ độc, tiêu thụ trên 50gr HCN sẽ dẫn tới tử vong.
Loại sắn ngọt chúng ta hay ăn dù chứa ít HCN hơn sắn cao sản nhưng nếu ăn sống hoặc chế biến không kỹ cũng có thể gây ra ngộ độc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Dụ - nguyên Giám độc trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không chỉ cách chế biến sắn sai có thể gây ra ngộ độc mà nếu ăn phải sắn bị nấm mốc cũng gây hại cho sức khỏe.
Cách chế biến sắn không gây ngộ độc
Trước khi chế biến sắn thành món ăn chúng ta cần phải bóc hết phần vỏ và phần đầu củ rồi ngâm nước qua đêm. Đem luộc sắn với nhiều nước và mở vung cho chất độc bay hơi thoát ra ngoài.
Không nên ăn những củ sắn lâu năm hoặc sắn dẻo không bở, sắn có vị đắng, đọt sắn non. Những loại này có chứa nhiều HCN có thể gây ngộ độc.
|
Cần chế biến đúng cách để không gây ngộ độc khi ăn sắn. Ảnh minh họa. |
Sắn cắt lát và phơi khô cũng làm giảm chất độc. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều sắn khi đói bụng và nên ăn kèm với các thức ăn khác.
Người không nên ăn sắn
- Phụ nữ mang thai: Củ sắn chứa axit cyanhydric (HCN) có thể gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc. Do đó, bà bầu nên tránh ăn món này để an toàn cho cả mẹ và bé.
- Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi: Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nót nên chưa thực hiện tốt việc tiêu hóa cũng như đào thải chất độc do đó phụ huynh không nên cho bé ăn nhiều những món chứa chất độc như măng, sắn kẻo chất độc tích tụ trong cơ thể. Đặc biệt, không cho trẻ ăn sắn khi đói.