Kinh tế vợ chồng tự quản luôn là mong muốn của các cặp đôi, tuy nhiên có nhiều người mẹ chồng do thiếu tâm lý, muốn quản cả tài chính của con trai khiến nhiều nàng dâu bất bình. Cô gái trong câu chuyện dưới đây cũng bị rơi vào tình huống đó nhưng cách hành xử của cô mới thật sự thu hút sự chú ý của nhiều người.
Cô gái tâm sự: "Bạn trai em tính hiền lành, chịu thương chịu khó. Tuy kiếm ra tiền nhưng chi tiêu biết tiết kiệm lắm. Bọn em làm cùng công ty, đặc biệt từ khi ra trường đi làm là anh ấy đã gửi tiền nhờ mẹ giữ giúp. Anh nói rằng anh là đàn ông không biết giữ tiền, điều kiện gia đình thì tầm trung thôi, không khá giả mấy nên anh phải lo tiết kiệm để sau này lấy vợ.
Em nghe anh nói cũng hợp lý, thậm chí còn thấy mến tính đó của anh nên dần có cảm tình mà yêu. Suốt 2 năm hẹn hò, đi ăn đi chơi với em, anh luôn chủ động chi trả các khoản, thi thoảng anh mới để em thanh toán. Tiền tiết kiệm thì anh vẫn đưa mẹ anh giữ như cũ. Mặc dù 2 đứa em xác định sẽ tiến tới hôn nhân nhưng em chưa bao giờ đề nghị anh đưa tiền cho em giữ. Em nghĩ sau cưới, tài chính mới cần dồn về 1 mối.
Chuyện tình cảm của chúng em được bố mẹ hai bên đều đồng tình ủng hộ. Thỉnh thoảng anh cũng đưa em về nhà ăn cơm với bố mẹ anh cho gần gũi. Bố anh ít nói, hiền giống anh chứ mẹ anh khó tính hơn. Mấy lần ngồi nói chuyện cùng, em phần nào cảm nhận được.
14/3 âm lịch vừa rồi hai đứa em ăn hỏi, 28/3 sẽ cưới. Hôm qua nhà bạn trai em có việc, mẹ anh nhắn em sang nhà ăn cơm. Tới chiều, em chuẩn bị về thì bác ấy gọi cả em với anh vào phòng nói thế này: 'Hai đứa sắp thành vợ thành chồng rồi, có 1 việc mẹ muốn nói rõ với các con, đó là vấn đề kinh tế tài chính trước và sau cưới của hai đứa. Sau cưới hai đứa ăn ở thu chi thế nào mẹ sẽ không can dự nhưng tài sản trước cưới của thằng K. (tên bạn trai em) thì mẹ sẽ giữ vì đó là công sức nó phải làm lụng tích cóp mãi mới có được. Thế nên tài sản trước hôn nhân, hai đứa cứ tách bạch ra'.
Nghe mẹ anh nói em hơi bất ngờ vì K. nói với em khác, rằng sau cưới anh sẽ lấy lại tiền gửi mẹ đưa em cầm để vợ chồng thu về 1 mối. Lúc đó K. cũng ngây người nhìn mẹ nhăn nhó: 'Mẹ, tiền tiết kiệm đó...'.
Không để con trai nói hết câu, mẹ anh chặn đứng luôn: 'Con không phải nói gì cả, ý mẹ như thế, cứ vậy mà làm theo'.
Vậy là em đứng bên nhỏ nhẹ lên tiếng: 'Dạ vâng, cháu hiểu và tôn trọng ý bác. Kinh tế trước cưới của anh K. đúng là của riêng anh ấy. Giống như cháu, từ ngày ra trường đi làm, cháu cũng tiết kiệm được 1 khoản, hơn nữa hôm vừa rồi bố mẹ lại cho cháu thêm mảnh đất gần nhà làm của hồi môn . Cháu đang định bàn với anh K. sau cưới sẽ bán mảnh đất đó, dồn thêm một ít tiền tiết kiệm của hai đứa vào nữa là đủ mua căn hộ chất lượng tốt chút để vợ chồng ở cho rộng rãi. Song ý bác đã quyết vậy thì thôi ạ, cứ của ai người ấy giữ'.
Nói xong em xin phép về, mẹ K. mặt có chút bần thần nhưng em kệ không nán lại thêm giây phút nào. Sáng nay vừa ngủ dậy, bác đã gọi cho em bảo: 'Hôm qua bác cứ suy nghĩ mãi chuyện hai đứa. Nghĩ nhà bác chật, hai đứa cưới xong mà phải sống chung thì hơi tội. Vợ chồng còn trẻ, cần có không gian riêng. Bác nghĩ phương án hai đứa tập chung tiền mua nhà luôn sau cưới mà cháu nói hôm qua rất hợp lý đó. Cháu với K. bàn bạc lại với nhau xem, tiền của K. tiết kiệm mấy năm nay cũng được vài trăm, bác sẽ đưa lại cho 2 đứa lo liệu'.
Em nghe vậy cũng chỉ dạ vâng, bảo để cháu suy nghĩ thêm. Em hiểu tính mẹ K. tính toán nên hôm qua em nói thế kiểu gì mẹ anh cũng sẽ thay đổi. Có điều em nói để bác hiểu, K. có tài sản riêng trước cưới thì em cũng có, thậm chí chẳng ít hơn. Có điều đã là vợ chồng thì đừng nên so đo tính toán. Còn chuyện mua nhà, em phải suy xét thêm đã. Xem sau cưới thế nào lúc đó tính tiếp".
Hành trang để bước vào cuộc sống hôn nhân gồm rất nhiều thứ, trong đó tài chính kinh tế là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng nên hai bên cần có sự thống nhất dù là trước hay sau cưới. Hành xử của cô gái trên được khá nhiều người ủng hộ, bởi phần lớn họ đều cho rằng với người mẹ chồng tính toán, con dâu nên thẳng thắn rõ ràng như thế để bà biết hiểu con dâu hơn bởi cuộc sống là có đi có lại. Trao tin yêu, sự rộng lượng ta sẽ nhận lại sự trân trọng bao dung, đặc biệt trong mối quan hệ gia đình lại càng cần tới những yếu tố ấy.