Vừa cưới nhau được vài hôm, mẹ chồng tôi bảo: “Các con ở nhà trông coi nhau, mai mẹ phải về quê, bà nội ốm phải vào viện. Các chú, các cô thì vẫn còn công tác, dù sao mẹ cũng về hưu rồi, nên rảnh hơn, sẽ nhận việc chăm sóc bà, bà bị bệnh này chắc nằm viện sẽ lâu đấy. Đi ngủ nhớ khóa cửa chính, cửa klên sân thượng, gái chốt cửa sổ nhé, kẻo vợ chồng ngủ say, có gì trộm nó khua sạch”. Sáng hôm sau tôi chở mẹ bằng xe máy ra bến xe về quê. Đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái, chỗ để chân, chỗ nào cũng treo túi, lỉnh kỉnh đồ dùng, thức ăn, sữa hộp, thuốc men.
|
(Ảnh: minh họa) |
Buổi tối hôm đó, chỉ có hai vợ chồng, tôi được chồng kể cho nghe về hành trình làm dâu vất vả của mẹ anh. Bố anh là sĩ quan quân đội, gia đình ở quê, bố anh đóng quân ở ngoại thành Hà Nội, rồi gặp mẹ anh, họ yêu nhau. Khi yêu nhau được một năm, bố anh mới dám đưa mẹ anh về quê ra mắt họ hàng, bởi ông biết thế nào mọi người cũng phản đối.
Cả nhà luôn dặn bố anh là bộ đội, tốt nhất nên lấy vợ ở quê, hiền lành, thật thà, giản dị, sống quen kham khổ, chịu thương chịu khó, có như vậy mới có thể thay người đi xa chăm sóc cha mẹ lúc già cả, yếu đau. Đúng như dự đoán của bố anh, buổi ra mắt mẹ anh không thành công.
Ông bác ruột bố anh nói ngay: “Cô này dân Hà Nội hả, sống sung sướng quen, dễ coi thường nhà quê chúng tôi. Làm thông gia với Hà Nội mình luôn chịu lép vế, có lên thăm con, cháu bị đối xử như người đến xin ăn, nhờ vả. Tôi lạ gì dân Hà Nội, không hợp đâu”.
Ông nội anh thì thử thách mẹ anh bằng cách nhờ mẹ anh vào bếp đun nước chè tươi bằng bếp rạ. Bà nội thì nhờ mẹ anh nhặt rau cần. Kết thúc buổi sát hạch, mọi người thống nhất kết luận: “Không lấy cô này được, làm bạn thì được”. Khi tiễn bố anh và mẹ anh ra đầu làng, bà nội anh nói riêng với mẹ anh: “ở đây phong kiến lắm, bác là người cùng làng, chịu thương chịu khó chiều chuộng gia đình mà mãi mới trụ lại làm dâu nhà này được.
Bác biết chúng mày thương nhau, lấy nhau thì sống với nhau ở trên ấy là chính, chứ không sống cùng gia đình, nên cứ kệ họ, họ chê trách mình cũng biết vậy để cố gắng. Tùy các con quyết định, nhưng thỉnh thoảng về chơi với bác. Nhưng lần sau về nhớ mặc quần lụa đen, áo có cổ cao nhé!”.
Sau hôm đó, mẹ anh rất yêu thương bà nội vì sự chân thành, tốt bụng. Cứ hai tuần một lần mẹ tự về quê, vì bố anh không được nghỉ thường xuyên. Là con gái Hà Nội, mà chỉ sau vài tháng, mẹ anh trở thành “cô thôn nữ” thực sự. Mẹ mặc quần âu, màu đen, đi dép nhựa, biết lội ao hái rau muống, biết mang sấu Hà Nội về quê để bỏ vào nước rau luộc, ai cũng khen ngon hơn là vắt chanh. Buổi tối mẹ ngủ với bà nội, sáng ra hai mẹ con đèo nhau bằng xe đạp đi chợ cách nhà ba cây số…
Được hơn một tháng, mẹ chồng tôi tất tả lên Hà Nội. Bà bảo bà nội chồng tôi đã đỡ hơn, xin xuất viện về nhà để tiện chăm sóc. Bà tranh thủ lên Hà Nội lĩnh lương hưu, gom ít tiền để mấy hôm nữa mang về quê xây mộ cho ông nội. Mẹ chồng tôi nói với chúng tôi: “Mẹ chẳng biết có cổ hủ không, nhưng cứ nghĩ mình là phụ nữ, lấy chồng hưởng phúc nhà chồng. Hôm vừa rồi mẹ ra thăm mộ ông nội, thấy xung quanh người ta xây xáo cao ráo, riêng mộ ông vẫn là mộ đắp đất, lè tè.
Bây giờ còn bà nội, nếu con cái túm lại làm cho ông, bà sẽ vui và anh chị em cũng dễ bảo nhau, chứ sau này bà mất, an hem chưa chắc đã thống nhất được kế hoạch. Con cái không lo cho bố mẹ thì còn lo cho ai. Bố chúng mày mất trước, mẹ thay ông ấy làm trọn chữ hiếu với ông bà, để tiền ăn cũng hết, trời bắt tội ốm, bao nhiêu cũng chẳng còn, chết cũng chẳng mang được đi. Hôm này làm mộ cho ông, các con phải về đấy nhé”.
Vừa xong xây mộ cho ông nội, bà nội chồng tôi lại bị tai biến lần hai, phải đi cấp cứu, nên chúng tôi trở lại Hà Nội, còn mẹ chồng tôi ở lại theo bà vào viện. Nửa tháng sau mẹ lại gọi điện chúng tôi về quê ăn cưới con trai của chú ruột chồng tôi. Về đến nhà đã thấy mẹ chồng tôi ra ra vào vào đon đả tiếp khách. Chú thím tôi bảo may có bác nhanh nhẹn, tươi cười, giúp cô chú nhiều việc, đúng như người quê thực sự.
Mẹ dẫn tôi đi chào khắp lượt bà con, họ hàng bên nội. Một bà già móm mém bảo: “Cháu dâu hả? bà là bà trẻ, nay mới biết mặt cháu dâu. Các cháu bận rộn công việc ít về quê, không sao. Nhưng sống sao được như mẹ chúng mày ấy, gái Hà Nội mà nhanh nhẹn, tháo vát, đảm đang, quan tâm đến mọi người, ai cũng quý. Bà ấy là dâu họ Phạm rồi, sau này mất, các cháu đưa bà ấy về quê ở cạnh các cụ nhé, dâu này quý lắm đấy!”.
Làm dâu của mẹ được vài tháng, chưa một lần mẹ răn dạy, bảo ban tôi phải sống thế nào, chưa một ngày được chăm mẹ, nhưng nhìn cách mẹ sống với gia đình chồng, chăm lo cho người thân, được nghe họ ca ngợi mẹ, tôi thấy mình hạnh phúc vì được làm con dâu của mẹ. Tôi thầm hứa với lòng mình sống theo tấm gương mà mẹ đã sống.