Mâu thuẫn gia đình tích tụ - tiềm ẩn những vụ án đau lòng

Google News

Chồng dùng búa đánh chết vợ, vợ giết chồng rồi chặt xác nhiều mảnh… những vụ án xuất phát từ mâu thuẫn, ghen tuông trong gia đình đang khiến dư luận chấn động, khiếp sợ.

Từ góc độ xã hội, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới những vụ án này là do mâu thuẫn vợ chồng bị dồn nén lâu ngày nhưng không được giải quyết...
Không có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn
Dư luận đang rung động về vụ án vợ giết chồng rồi chặt xác thành nhiều mảnh, quẳng khắp nơi để phi tang tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nghi phạm là Hoàng Thị Hồng Diễm, 32 tuổi. Tại cơ quan công an, Diễm khai ra tay do nghi chồng mình có bồ, lại về nhà đánh và đe dọa giết vợ...
Nghi phạm Hoàng Thị Hồng Diễm tại cơ quan công an. Ảnh: C.T 
Ngày 19.12, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang tạm giữ Đinh Ngọc Khoa (SN 1990, quê Hòa Bình, hiện trú ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) để điều tra hành vi sát hại chị Đ.T.T (SN 1989) - vợ Khoa. Khoa bước đầu khai nhận, Khoa nghi ngờ vợ không chung thủy. Tối 16.12, Khoa đòi ân ái nhưng bị vợ từ chối. Vợ chồng xảy ra cãi vã, bực tức Khoa sát hại vợ rồi để thi thể trên giường và bỏ đi.
"Mâu thuẫn gia đình ngày càng phức tạp. Nó không chỉ đến từ những mâu thuẫn về cơm áo – gạo tiền, sự ghen tuông mà còn đến cả từ sự đố kỵ, nghi hoặc từ những việc nhỏ như chồng sống không có trách nhiệm, hay rượu chè, hay doạ đánh... Nếu không có kỹ năng xử lý, không chỉ đàn ông, nhiều phụ nữ cũng dễ trở thành nạn nhân hoặc kẻ gây án...”.
Ông Trịnh Hoà Bình
Ngày 19.12, Công an tỉnh An Giang đang tạm giữ hình sự Võ Văn Nang Lớn (55 tuổi, ở xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn) để điều tra hành vi giết người. Nạn nhân trong vụ án là bà Trắng (52 tuổi) - vợ của Lớn. Theo điều tra, tối 11.12, Lớn đòi quan hệ nhưng bà Trắng không đồng ý nên xảy ra mâu thuẫn. Lớn lấy cây búa đánh liên tiếp khiến bà Trắng chết.
Trên đây là 3 trong số rất nhiều vụ án mạng mà nguyên nhân chính được chỉ ra là do mâu thuẫn chuyện gia đình, hoặc ghen tuông, nghi ngờ chồng hoặc vợ ngoại tình. Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, các chuyên gia tâm lý có chung nhận định rằng có những vụ án đau lòng đó, một phần cũng là do tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm tha hóa đạo đức của một bộ phận người dân trong xã hội. Thêm vào đó, một số người còn hạn chế về nhận thức pháp luật, mù quáng trong tình yêu, vị kỷ cá nhân trong quan hệ gia đình, yêu đương nên khi gặp phải những mâu thuẫn hay có sự ngờ vực đã không tìm được cách xử lý đúng mực mà sử dụng bạo lực...
Chiếc búa mà nghi phạm Võ Văn Nang Lớn dùng đánh chết vợ. Ảnh: T.L 
Ông Trịnh Hoà Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, khi mâu thuẫn dồn ép, nảy sinh trong một thời gian dài không được giải quyết, bất kể là mâu thuẫn lớn hay nhỏ đều có thể là nguyên nhân gây nên những vụ ẩu đả, thậm chí chém giết mà con người không thể lường hết.
“Trong 1 phút mất kiểm soát, con người thiếu sự kiềm chế, không có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn thì rất dễ hành động bột phát gây nên những hậu quả rất đáng tiếc. Sau đó, dù hối tiếc cũng đã quá muộn” – ông Bình nói.
Nhận thức pháp luật vẫn còn kém
Từ những câu chuyện thực tế trên, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) cho rằng những hành vi bộc phát dẫn tới những vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm trong sinh hoạt gia đình không chỉ là biểu hiện nhất thời mà đã tích tụ trong thời gian dài. Bên cạnh đó có vấn đề đạo đức xuống cấp, việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống không được đề cao dẫn tới khi xảy ra xung đột, dù là xung đột nhỏ nhưng hậu quả lại rất lớn.
Còn theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, các mối quan hệ gia đình “nóng” lên rất nhiều với sự gia tăng của ngoại tình, xung đột, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Gần đây có rất nhiều vụ bạo lực gia đình dã man, vợ giết chồng, chồng giết vợ, bố dí sắt nóng vào con, con giết cha… Nhiều người sẽ tự hỏi: “Tại sao người thân đáng nhẽ phải yêu thương nhau lại ác với nhau đến vậy?. Gia đình phải là chốn bình yên, an toàn thì lại nguy hiểm đến vậy?”.
“Tôi nghĩ đó là vì cuộc sống hiện đại quá nhiều áp lực, con người ta ngày càng bị dồn nén vì những xung đột xã hội, ham muốn cá nhân nhưng lại sợ hãi, yếu đuối đấu tranh với kẻ mạnh hơn, giàu hơn, quyền cao hơn, khỏe hơn nên về nhà trút lên những kẻ yếu thế mà họ có thể bắt nạt được. Mà kẻ yếu trong gia đình đại đa số vẫn là phụ nữ, trẻ em, người già... Ngược lại khi người yếu bị bắt nạt thì nảy sinh tâm lý lo sợ, thậm chí nhiều người quá sợ hãi, bị chèn ép lâu ngày, dẫn đên “tức nước vỡ bờ” bằng cách hạ sát người đã đe doạ mình, bất kể người đó là vợ hoặc chồng” – ông Hoà nói.
Ngoài ra, theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, mâu thuẫn gia đình đang ở “đỉnh điểm” vì những xung đột giữa quan niệm cũ và nếp sống mới, khiến cho vợ chồng thường xuyên cãi cọ. Những đòi hỏi về vợ hoặc chồng cũng ngày càng nhiều hơn. Ngày xưa, người vợ chỉ cần đảm đang thu vén gia đình, biết nuôi con, nghe lời chồng; ngày nay vợ không chỉ giỏi việc nước mà còn đòi hỏi giỏi việc nhà, lại phải xinh đẹp, biết giao tiếp, “vào bếp giỏi, ra phòng khách tốt” mà “lên giường cũng phải hay”. Còn đàn ông không chỉ kiếm tiền mà phải biết chia sẻ việc nhà, quan tâm vợ con, thủy chung...
Ông Hoà cho rằng, khi người chồng hay người vợ không đáp ứng được các điều này thì bạn đời sẽ không hài lòng, sẽ cáu gắt, đòi hỏi, hoặc hậm hực, không vừa lòng. Điều này làm cho mâu thuẫn gia đình luôn căng thẳng, nóng bỏng, lâu dần có thể tạo thành các cơn “lửa giận”.
Theo Diệu Linh - Nguyệt Tạ/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)