Theo đó, chị Quỳnh Anh cho biết, khi hai vợ chồng chị đến với nhau đều không dư giả gì, tới khi có con thì kinh tế rất eo hẹp, thu nhập của cả hai cộng lại chỉ được 20 triệu. Lúc đó, hai người có dùng cách trích lương của riêng gộp lại thành quỹ chung nhưng sau vài tháng thử nghiệm thì thấy không ổn, tiền vẫn cứ "bốc hơi" nhanh chóng, thiếu trước hụt sau, có khi phải đi vay mượn thêm.
Sau đó, chị đã nghĩ ra một cách khá hay ho, cụ thể là gộp toàn bộ số tiền lương của hai vợ chồng lại, sau đó trích 5 triệu cho vào tiết kiệm, 15 triệu còn lại đem chia vào 4 phong bì với các mục đích chi tiêu khác nhau:
Cách chi tiêu tiết kiệm cho người có gia đình
1. Đi chợ: 3 triệu
"Nhà mình ăn uống đơn giản, bữa tối nấu luôn cho bữa trưa hôm sau mang đi làm, chỉ cần một món mặn, rau và canh là đủ. Con lớn thì ăn ở trường còn đứa bé đang tuổi ăn dặm, tôi dùng gạo, rau, đạm cho các bữa ăn của con", chị Quỳnh Anh chia sẻ.
2. Cho con: 7 triệu
Đây là khoản tiền lớn nhất phải chi do hiện tại anh chị đang có 2 đứa con. Số tiền được chia ra như sau: 3 triệu tiền học của đứa lớn, 1,5 triệu tiền sữa, 2,5 triệu tiền tiêm phòng, thuốc thang cho con nhỏ. "Hàng ngày đứa lớn đi học, bố mẹ đi làm, tôi gửi con nhờ ông bà trông hộ".
3. Tiền điện nước, xăng xe, mua sắm: 3 triệu
Tiền điện nước hàng tháng dạo động dưới 2 triệu. Ngoài tiền đổ xăng xe 2 vợ chồng thì số tiền dư thừa để mua sắm quần áo, đồ đạc cần thiết cho cả nhà.
4. Đột xuất: 2 triệu
Dành cho các khoản cưới hỏi, thăm bệnh, sinh nhật, hỏng xe....
"Với 4 phong bì với 4 mục đích chi tiêu khác nhau, tôi thấy nó đã bao quát toàn bộ nhu cầu của cả nhà, tôi dùng đúng mục đích của từng phong bì, không để lẫn lộn tiền nọ với tiền kia."
Sau khi áp dụng phương pháp chi tiêu 4 phong bì này, chị Quỳnh Anh thấy số tiền không hết mà còn dư ra, dù không nhiều nhưng cũng thoải mái, nhẹ gánh nặng tiền bạc hơn hẳn các tháng trước. Số dư của tháng này chị lại dồn sang tháng sau, rất tiện lợi.
Cách giúp giới trẻ tiết kiệm tiền trong năm đầu đi làm
Lên kế hoạch cho các khoản chi tiêu
Tiêu tiền theo cảm hứng là một trong những cách khiến bạn rơi vào cảnh ăn mì tôm trừ bữa vào cuối tháng, nhất là khi hưởng mức lương chưa cao trong năm đầu đi làm. Các chuyên gia quản lý tài chính khuyên rằng bạn nên vạch ra các khoản chi tiêu thiết yếu trong tháng, như tiền ăn uống, di chuyển, chăm sóc bản thân... và tiết kiệm khoản còn lại.
Tận dụng các khuyến mại và ưu đãi
Nhờ sự phát triển của các dịch vụ trực tuyến và thông tin số, bạn có thể dễ dàng khảo sát tính năng, giá cả và ưu đãi của sản phẩm. Bạn có thể so sánh và cân nhắc mức chênh lệch để chọn sản phẩm tối ưu. Hãy tận dụng các chương trình khuyến mại và ưu đãi lâu dài, như dùng Samsung Pay để tiết kiệm chi phí chuyển khoản, nhận ưu đãi khi đăng ký... thay vì dùng ngân hàng trực tuyến thông thường.
Giới hạn chi phí ăn uống
Việc ăn uống tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng thường ngốn một khoản lớn, nhất là khi bạn là “fan” trà sữa hay đồ ăn nhanh. Thay vì ra ngoài ăn, bạn có thể tự nấu ở nhà để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiết kiệm tiền.
Hãy biết từ chối những thứ vượt quá khả năng tài chính
Việc vay nợ để sở hữu chiếc điện thoại đời mới nhất hay sắm trang phục cho chuyến đi chơi mà về không mặc đến... không phải là giải pháp tài chính khôn ngoan. Điều này sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch chi tiêu của cả tháng, thậm chí cả năm của bạn.
Tìm cách kiếm thêm thu nhập
Một trong những cách tiết kiệm tiền tốt nhất là tăng thêm thu nhập. Theo các chuyên gia tài chính, tiền lương của bạn nên được chia một phần cho đầu tư sinh lời hoặc đầu tư cho bản thân. Bạn có thể chi khoản này vào những kỹ năng có thể mở rộng phạm vi công việc của mình, từ đó cải thiện thu nhập hoặc tìm được công việc tốt hơn.