Tự ti về cân nặng và muốn giảm cân cấp tốc, chị H.N.H (35 tuổi, TP HCM) đã sử dụng một số loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Sau đó, chị bị rối loạn tiêu hóa và nhanh chóng tăng cân trở lại nên phải tới Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (BV ĐHYD TP HCM) điều trị.
|
ThS.BS Trần Viết Thắng tư vấn liệu trình điều trị thừa cân - béo phì cho người bệnh |
Tại Phòng khám Nội tiết BV ĐHYD TP HCM, bác sĩ cho biết chị H cần điều trị béo phì chuyên sâu, phối hợp của các chuyên khoa: Nội tiết, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng và Tâm lý.
Chị được thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường vận động và sử dụng thuốc điều trị các bệnh đi kèm. Sau một tháng, chị giảm được 2kg, cơ thể bớt mệt mỏi và đã làm quen được với chế độ ăn khoa học, bớt cảm giác thèm ăn.
Theo ThS.BS Trần Viết Thắng, Phó Trưởng khoa Nội tiết BV ĐHYD TP HCM, việc giảm cân làm thay đổi hệ thống cân bằng của cơ thể khiến người bệnh có cảm giác đói, thèm ăn nên sẽ có khuynh hướng ăn nhiều hơn và tăng cân trở lại. Hậu quả là người bệnh khó tuân thủ quá trình giảm cân tiếp theo, dễ bỏ cuộc, tinh thần giảm sút, gia tăng nguy cơ rủi ro cho sức khoẻ.
TS.BS Võ Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD TP HCM cho biết thêm, khi áp dụng các hướng xử lý như ăn kiêng, luyện tập hoặc dùng thuốc… một cách cực đoan, thiếu sự cân bằng và đồng bộ, người bệnh đứng trước rủi ro gia tăng nguy cơ các biến chứng nguy hại và có thể nghiêm trọng.
Điển hình là các biến chứng và tổn thương liên quan đến tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, tâm lý, hệ thần kinh, chức năng gan, thận… Đặc biệt là dễ dàng tăng cân trở lại.
Tại Việt Nam, số lượng người thừa cân béo phì tăng tới 38% trong vòng 5 năm trở lại đây. Mỗi ngày, hàng triệu người giảm cân bằng cách hút giảm mỡ, sản phẩm giảm cân, ăn kiêng..., nhưng đến 95% tăng cân trở lại.
Béo phì là bệnh lý mạn tính, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau. Việc điều trị béo phì cần phối hợp nhiều chuyên khoa như: Nội tiết, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng và Tâm lý… để có thể giúp người bệnh cải thiện cân nặng và chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, có các phương pháp điển hình thường áp dụng cho người bệnh béo phì như: Thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày. Tuỳ vào từng thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.
ThS.BS Trần Viết Thắng cho biết, khi thay đổi lối sống không hiệu quả, người bệnh béo phì có chỉ số BMI từ 30 trở lên hay từ 27 trở lên kèm bệnh lý mạn tính cần đi khám để được chỉ định sử dụng thuốc.
Các thuốc điều trị béo phì có thể tác dụng vào hệ thần kinh trung ương, chủ yếu có tác dụng làm chán ăn hoặc tác dụng trên đường tiêu hóa làm giảm hấp thu. Tuy nhiên, các thuốc này đều có tác dụng phụ, do đó người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc mà cần có sự chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ.
Khi điều trị nội khoa hay thay đổi lối sống không hiệu quả, theo TS.BS Võ Duy Long, người bệnh có BMI từ 35 trở lên (đối với người châu Á) có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bớt dạ dày hay nối tắt dạ dày vào ruột non, nhằm giảm lượng thức ăn hấp thu.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh béo phì không tuân thủ điều trị sẽ có nhiều nguy cơ bị tăng cân trở lại. Với những người chỉ số BMI cao trên 30, tuổi thọ giảm trên 3 năm và tăng dần, kèm nhiều bệnh lý khác.
Mời độc giả xem thêm video Bê bối thuốc giảm cân tại Pháp ( Nguồn: THĐT).