Người phụ nữ kỳ lạ
Henrietta Lacks là một công nhân da màu làm việc trong một xưởng sản xuất thuốc lá tại Mỹ. Nhận thấy điều bất ổn của cơ thể khi bị chảy máu âm đạo dù không phải do kinh nguyệt và mỗi lần đi tắm lại sờ thấy cục u ở vùng kín, tháng 2/1951, cô đã tìm đến Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore, bang Maryland để khám bệnh.
|
Henrietta Lacks mang trong mình tế bào vĩnh hằng. |
Tại đây, các bác sĩ xác nhận cổ tử cung của người phụ nữ 31 tuổi này có khối u bất thường. Sau khi trải qua một vài xét nghiệm, người mẹ 5 con nhận được tin dữ khi đó là khối u ác tính.
Quá trình chữa bệnh ung thư vào những năm 1950 khiến Henrietta Lacks phải trải qua muôn vàn đau đớn và gian khổ nhưng tình hình của cô ngày càng trở nên tồi tệ.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu tế bào của Henrietta, các bác sĩ đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra điều kỳ diệu, đó là một loại tế bào có đặc tính rất lạ. Trong khi các tế bào lấy từ cơ thể bệnh nhân khác sẽ chết rất nhanh chóng trong môi trường phòng thí nghiệm thì tế bào của bà Henrietta vẫn khỏe mạnh và tiếp tục phân chia với tốc độ chóng mặt.
Thông thường, mặc dù nhiều tế bào có thể phân chia một số lần, nhưng ADN cuối cùng sẽ trở nên không ổn định, khiến chúng chết đi. Nhưng chuyện này không xảy ra với tế bào Henrietta khi có thể tạo thành một dòng tế bào bất tử, cho phép chúng được sản xuất vô số lần.
Ngày 4/10/1951, Henrietta Lacks qua đời vì bệnh ung thư cổ tử cung quái ác. Tuy nhiên, trong khi căn bệnh này là bi kịch với gia đình cô thì với ngành y học, đó lại là một phép lạ.
Những cống hiến cho y học
Kể từ sau phát hiện đó, rất nhiều tế bào đã được nuôi cấy thành công từ những tế bào ban đầu lấy từ cơ thể của Henrietta kể từ lúc bà qua đời.
Tế bào bất tử của bà Henrietta sau đó được đặt tên là “tế bào HeLa”. Nhờ có tế bào HeLa, các nhà khoa học đã có thể hiểu thêm về sự tăng trưởng của tế bào ung thư trong cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác này.
Không những vậy, chúng còn tiếp tục phân chia đến hàng trăm hàng triệu lần, chúng được lưu trữ tại rất nhiều các cơ sở y tế, phòng thí nghiệm để dùng cho mục đích nghiên cứu.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng có cơ hội được khám phá thêm nhiều điều bí ẩn trong bộ gene của con người, tạo ra những bước đột phá to lớn trong lĩnh vực y học. Suốt hơn 60 năm qua, người ta ước tính rằng có thể có tới 50 triệu tấn tế bào đã được sản sinh từ những tế bào đầu tiên của Henrietta được thu thập.
Tế bào HeLa góp phần rất lớn trong các nghiên cứu chữa bệnh bại liệt; lập bản đồ gen; học cách tế bào làm việc; phát triển các loại thuốc để điều trị bệnh ung thư, herpes, bệnh bạch cầu, bệnh cúm, bệnh ưa chảy máu, bệnh Parkinson, bệnh AIDS...
Cho đến nay, ngoài tế bào Hela, chưa ai tìm ra tế bào bất tử nào khác.