Chiều ngày 31/5, Bộ Y tế đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25 - 31/5) tại Hà Nội.
Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2018 được Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề "Thuốc lá và bệnh tim mạch. Ở Việt Nam, năm 2018, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5 nhằm nâng cao nhận thức về mối liên quan giữa thuốc lá và các loại bệnh tim mạch khác, bao gồm đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Thuốc lá giết chết hơn 100 người Việt mỗi ngày
Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá (GATS 2015), Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Điều này có nghĩa là mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên.
Con số tử vong liên quan đến thuốc lá dự kiến sẽ tăng lên thành 70.000 người một năm vào năm 2030.
|
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Điều này có nghĩa là mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên. |
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám - chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), nạn dịch thuốc lá toàn cầu hiện đang giết chết hơn 7 triệu người mỗi năm, trong đó bao gồm 900.000 ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Gần 80% trong số hơn 1 tỷ người hút thuốc lá trên toàn cầu đang sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi mà đang phải gánh chịu phần lớn những hậu quả về bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá.
Tại Việt Nam, theo ước tính từ cuộc Điều tra hút thuốc ở người trưởng thành năm 2015 (GATS 2015), tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 45,3% ở nữ giới là 1,1%, tổng cộng có trên 15 triệu người lớn hiện đang hút thuốc lá, thuốc lào.
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư.
Khi khói thuốc lan toả trong không khí, đặc biệt là tại những nơi khép kín, đông người sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người không hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc thụ động.
|
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Điều này có nghĩa là mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên. Ảnh minh họa. |
Người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đột quỵ, các bệnh về hô hấp và tim mạch.
Ở người lớn, hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn 25 - 30%, tăng nguy cơ mắc ung thư phổi hơn 20% - 30% so với người không hít phải khói thuốc. 12% tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, 20-30% tỷ lệ tử vong do đột quỵ có nguyên nhân từ việc hút thuốc thụ động.
Mời độc giả xem video phóng sự đặc biệt Tác hại của thuốc lá:
Nguồn: Truyền hình nhân dân.
Ở trẻ em, hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động có thể bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non.
Bỏ gần 131 nghìn tỉ đồng để hút thuốc và 24 nghìn tỷ để chữa bệnh do hút thuốc
Báo cáo của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy, tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm tới 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích tại Việt Nam, trong đó, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.
|
Hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn 25 - 30%. |
Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trên người trưởng thành ở Việt Nam, số tiền người dân Việt Nam chi ra để mua thuốc lá là 31 nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là 24 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Hơn 2 năm, xử phạt hút thuốc lá chỉ được 430 triệu đồng
Ngược lại với những con số kinh hoàng về số lượng người hút thuốc lá cũng như tác hại của thuốc lá thì chế tài xử phạt vi phạm về phòng chống tác hại thuốc lá còn chưa mạnh, hoạt động thanh kiểm tra còn mỏng, lẻ tẻ ở một số địa phương.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám - chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Ở Việt Nam, theo điều tra hút thuốc ở người trưởng thành năm 2015, ước tính có khoảng trên 20 triệu nam giới hút thuốc lá. Đây là một con số rất lớn. Bỏ thuốc lá không phải là dễ. Tuy nhiên, chế tài xử phạt chưa đạt được như mong muốn. Ở các nước thì xử phạt nghiêm khắc, còn ở Việt Nam việc xử phạt khó khăn, mặc dù chúng ta đã có luật .
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 191 triệu đồng. Năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra 151 cơ sở tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, xử phạt 16 cơ sở với số tiền là 136 triệu đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, Hà Nội phạt 23 đơn vị với số tiền phạt gần 60 triệu đồng. Tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 62 đơn vị, cơ sở kinh doanh, các khách sạn nhà hàng, cửa hàng bán lẻ thuốc lá, phạt 12 đơn vị với số tiền 30 triệu đồng. Bộ Công an xử phạt 15 trường hợp, phạt 13,5 triệu đồng.
Tổng số tiền phạt tính đến nay là 430 triệu đồng.
Về xử phạt về buôn lậu các sản phẩm thuốc lá, theo báo cáo tổng kết hoạt động PCTH thuốc lá từ năm 2014- 2016 của Bộ Công an do Cục Y tế làm đầu mối, tổng số các vụ buôn lậu thuốc lá bị bắt và xử lý là 1.532 vụ, phạt 19,44 tỷ đồng.
Giá thuốc lá của Việt Nam rẻ gần nhất thế giới
Thông tin trên Tuổi trẻ cho biết, theo khảo sát gần đây của cơ quan phòng chống tác hại thuốc lá, giá thuốc lá ở Việt Nam phổ biến từ 6000 đồng - 20.000 đồng/bao, đây là mức giá được đánh giá nằm trong "top" 15 quốc gia có giá thuốc lá rẻ nhất thế giới.
Một trong những lý do khiến giá thuốc lá rẻ, đồng thời khiến tỷ lệ người hút thuốc ở Việt Nam không giảm nhiều là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn thấp, chỉ 35,3/giá bán lẻ (70% giá xuất xưởng).
Với mức thuế kể trên, thuế thuốc lá của Việt Nam được xếp trong nhóm thấp, ở khu vực ASEAN thì Việt Nam đánh thuế thuốc lá chỉ cao hơn Campuchia.
Hiện nay các chuyên gia đang đề xuất một số phương án đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá hoặc tăng mức thuế suất theo lộ trình cho đến mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Các thống kê của Tổ chức Y tế thế giới đến nay cho thấy, nếu tăng 10% thuế bán lẻ thuốc lá thì tiêu dùng chung thuốc lá sẽ giảm 4%.