Vậy mà, khi vừa đón tay từ bác sĩ, khi tôi và chồng đang lâng lâng hạnh phúc, bà lại chép miệng và thở dài đánh thượt: Ôi dào, tưởng thế nào chứ trông da dẻ thằng bé cứ đen xì xì, chẳng giống bố mà cũng chẳng giống bà nội. Bên nội làm gì có ai có nước da như thế, chắc chắn là chỉ có bên ngoại mà thôi.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi cũng cứ tưởng, bà buột miệng nói thế vì không kìm nén được cảm xúc khi lần đầu tiên được nhìn thấy đứa cháu “đích tôn” của bà, của dòng họ và không như bà mong đợi. Không ngờ, nỗi ám ảnh mang tên “da cóc” xấu xí nhà ngoại cứ xoáy sâu, bám riết lấy bà trong hành trình chăm sóc, nuôi dưỡng thằng bé.
Việc đầu tiên là khi bố mẹ tôi ở quê ra thăm cháu. Biết mẹ chồng tôi là người gốc thị thành nên dù bận mấy, từ cách ăn mặc, đi đứng đến các việc làm hay cả những sản vật mang từ quê ra cho cháu, bố mẹ tôi đều rất chú ý, chu đáo và cẩn trọng. Thế nhưng, bất cứ hành động, cử chỉ nào của bố mẹ tôi cũng không qua được cặp mắt soi mói của bà. Cũng vì con, vì cháu mà bố mẹ tôi phải nín nhịn, cười cười nói nói cho qua chuyện, cho phải phép tắc xã giao. Chỉ đến khi những lời nói mang tính khiêu khích, xúc xiểm của bà đã khiến bố mẹ tôi không chịu nổi.
Đó là, khi cả nhà, cả hai bên ông bà nội ngoại đang vui vẻ ngắm cháu bất giác nhoẻn miệng cười, bà nội ngay lập tức lên tiếng: Cái miệng này mà kèm với nước da như bà nội, như bố nó thì đẹp trai phải biết. Đằng này… cả đời chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì lấy đâu mà ra dáng trai thành phố được. Thật khổ thân cháu tôi…
Cứ thế, những lời nói tương tự chẳng biết vô tình hay hữu ý bà đường đột phát ngôn khiến bố mẹ tôi đỏ bừng mặt, đành cáo lui và ngay lập tức ra bến xe về quê. Từ đó, dù tôi có năn nỉ thế nào, bố mẹ tôi cũng đều lấy lý do thoái thác và không bao giờ ra thăm cháu ngoại nữa. Còn tôi thì những lời nói ấy được lặp đi lặp lại mỗi ngày, dưới nhiều hình thức khiến tôi có thời gian bị trầm cảm sau sinh. Nhưng điều tôi lo lắng hơn cả là sợ sau này, khi con tôi lớn lên nghe phải những lời như thế sẽ dễ bị tổn thương, ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của bé.
Câu chuyện của tôi chưa kịp lắng xuống thì em trai chồng tôi lấy vợ. Hai vợ chồng sinh ngay được cô con gái. Những tưởng “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, mẹ chồng tôi phải vui lắm. Không ngờ, khi bạn bè, người thân của em dâu tôi đến thăm, bà lại tiếp tục điệp khúc: Con gái gì mà chân tay ngắn một mẩu. Tóc thì lơ thơ vài cái. Ông nội nó có thế đâu? Có người thấy thế vội chen vào: Con cháu là lộc trời cho ông bà ạ. Có con có cháu là nhà mình có phúc đức lắm. Như tôi đây, 2 anh con trai đã U40 cả mà mãi có lấy vợ đâu. Tôi chỉ ước được một phần của ông bà là mãn nguyện rồi. Nghe thấy vậy, mẹ chồng tôi vội nói: Lộc cũng phải ra lộc chứ. Đằng này, lộc chẳng giống tông mà cũng chẳng giống cánh… Lúc này, ai cũng phải lắc đầu, chịu thua mẹ chồng tôi.
Ở ngoài nhìn vào, ai cũng phải xuýt xoa, ngưỡng mộ mẹ chồng tôi. Bởi lẽ, mới gần 60 tuổi, bà đã “sở hữu” hai người con trai là chồng và em chồng tôi học hành giỏi giang, thành đạt. Cả hai đều đã lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Không những thế, khi đến tuổi trưởng thành, cả hai đều ý thức xây dựng gia đình sớm nhất có thể để bố mẹ chồng tôi yên tâm an hưởng tuổi già. Không chỉ lo cho bố mẹ chu đáo mà cả hai anh em đều hướng đến xây dựng gia đình quần tụ, đông vui.
Thế nhưng, cũng chỉ vì những xích mích, những so sánh, những hành vi, cách sống khó sửa chữa của mẹ chồng mà cả hai đã quyết định cho vợ con ra ở riêng. Cá nhân tôi và cô em dâu, dẫu không nói ra nhưng cũng muốn càng ở xa bà càng tốt.