Chị Bùi Thị Thịnh ở Thanh Hóa là cô giáo dạy văn cấp 3 ở trung tâm huyện. Với một cô giáo khá hoàn hảo về nghề, về đức tính nhân ái như chị, ai cũng nghĩ chị sẽ hạnh phúc với người chồng làm trong ngành Công an. Nhưng, mọi niềm hy vọng về cuộc hôn nhân ấm áp của cô giáo dạy văn như chị Thịnh cũng đã có lúc sóng gió vô ngần ngay những ngày đầu chị về làm dâu nhà chồng.
|
Mẹ chồng lạnh lùng nói rít qua kẽ răng: "Chị không biết nấu nướng gì mà bố mẹ chị cũng cho đi lấy chồng được nhỉ? (Ảnh minh hoạ) |
Vốn là con nhà gia giáo, bố mẹ chị và chị gái đều công tác trong ngành giáo dục, nên chị cũng tự tin làm quen mọi việc nhà bên chồng. Tuy nhiên, chị lau nhà xong, vừa vắt cây lau nhà để phơi khô thì mẹ chồng chị lao tới, giật cây lau trước mặt chị rồi lau lấy lau để… Chị cảm thấy bất an nên lần sau chị cẩn thận lau nhà 2 lần, thậm chí tỉ mỉ đến 3 lần, khi nào chậu nước lau trong vắt, chị mới thôi. Thế nhưng, cũng giống những lần trước, mẹ chồng chị vẫn có hành động kỳ quặc, là dùng ngón tay di di lên từng bậc cầu thang, di lên mặt sàn nhà, bàn ghế... rồi giơ tay lên soi và đẩy chổi lau nhà kêu xoành xoạch...
Quá sợ hãi, chị mếu máo với chồng: "Nếu mẹ chưa đồng ý với cách lau nhà của em, mẹ có thể bảo thẳng chỗ này chưa sạch, chỗ kia phải lau thế này… nhưng mẹ không nói gì cả, khiến em sợ vô cùng". Chồng chị cười: Mẹ già rồi, em đừng để bụng những chuyện nhỏ nhặt ấy làm gì.
Những bữa đầu tiên vào bếp, biết mẹ chồng khó tính, chị e dè hỏi mẹ chồng và nhờ bà dạy bảo cách nấu món gì, nấu ra sao để chị làm quen. Mẹ chồng lạnh lùng nói rít qua kẽ răng: "Chị không biết nấu nướng gì mà bố mẹ chị cũng cho đi lấy chồng được nhỉ? Đó là cái thiếu sót trong việc dạy con của bố mẹ chị đấy nhé!". Chị khá nóng mặt khi mẹ chồng trách móc bố mẹ mình, nhưng vẫn cố nhịn: "Con ở nhà vẫn hay nấu cơm, nhưng ở nhà mình có thể khẩu vị khác, nên con mong mẹ hướng dẫn cho con, khi quen rồi con sẽ tự làm…".
Mẹ chồng lườm chị rồi nguây nguẩy bỏ đi: "Đấy, chị giỏi thì cứ thể hiện, nhà tôi không nặng nề chuyện ăn uống, chị nấu sao cũng được".
Đến bữa tối, cả nhà ngồi quây quần quanh mâm cơm, bố chồng và chồng chị vui vẻ, ăn uống ngon lành. Chồng chị còn tự hào: "Mẹ yên tâm, vợ con cũng thuộc dâu đảm mà, món này vợ con nấu ngon lắm, mẹ ăn thử đi" - vừa nói, anh vừa gắp thức ăn vào bát cho mẹ. Cùng lúc bố chồng chị gật gù tán dương: "Con dâu nấu vừa, ngon đấy, bà nó ăn đi cho các con vui".
Mẹ chồng chị càng tỏ vẻ khó chịu, gạt miếng thức ăn con trai vừa gắp ra cạnh đĩa, bà lấy lọ muối vừng rắc lên bát cơm, ăn vội rồi đứng dậy. Một bữa, 2 bữa, rồi 7 bữa, thái độ của mẹ chồng luôn tạo sự "mất ngon" cho mâm cơm gia đình. Khi thì bà kêu nhạt, khi lại kêu mặn quá, lúc lại chê thiếu vị ngọt, trong khi bản thân chị và bố chồng, chồng đều khẳng định là vừa, món ăn khá ngon, bởi chị đã được học lớp nấu ăn gia đình trước khi về nhà chồng, nên việc nấu nướng bữa cơm gia đình đơn giản, chị khá tự tin. Vậy mà nấu kiểu gì cũng bị mẹ chồng chê, bị bà giận không thèm ăn, khiến cảm giác vào bếp của chị luôn đầy lo lắng. "Chồng chị bảo: Vậy từ nay em cứ để mẹ nấu, chứ vợ nấu mà mẹ không ăn mãi thế này thì hại sức khỏe mẹ mất".
Mẹ chồng vào bếp, chị Thịnh không dám ngồi đâu nghỉ ngơi, chị loay hoay đi lau nhà, cọ rửa nhà vệ sinh… Được thể, ai vào nhà chơi, mẹ chồng lại kêu ca: "Có con dâu mới về mà mọi việc bếp núc đều đến tay tôi hết, nó chả biết làm lụng gì cả, loại con dâu lười nhác".
Ngày nào cũng vậy, hễ chị dọn dẹp, rửa bát, lau bếp sạch trơn, cọ rửa nhà vệ sinh cũng trắng phau, sắp xếp mọi đồ đạc trong nhà ngay ngắn, gọn gàng, chị mới dám lên phòng nghỉ khi đã 23h. Thế nhưng, cứ vừa vào phòng, vợ chồng chị lại nghe tiếng loảng xoảng dưới bếp. Mẹ chồng chị đem kiềng bếp ga hoặc nồi niêu lúc trước chị rửa ra cọ lại rầm rầm. Có hôm, mẹ chồng quăng quật cây chổi quét toa lét như giận dỗi ai. Chồng chị bảo: "Lúc nãy, vợ con vừa cọ sạch rồi mà mẹ, khuya rồi mẹ đi ngủ đi", bà hằn học, giọng hờn dỗi: "Nuôi mày lớn, lấy vợ cho mày là mày muốn hất bà già ra khỏi nhà luôn à? Sao cứ bênh vợ chằm chặp mà không thương mẹ mày cả đời vất vả đẻ ra, nuôi mày lớn đến giờ?".
"Tóm lại, dù có cố gắng làm tốt đến mấy, mẹ chồng cũng không bao giờ thấy vừa lòng với con dâu. Chung quy lại cũng chỉ vì một điều, mẹ chồng tôi quá yêu con trai độc nhất, nên cứ hờn ghen với con dâu. Thấy vợ chồng tôi càng vui vẻ, hạnh phúc bên nhau, bà càng tỏ vẻ khó chịu" - chị Thịnh tâm sự.
Cũng may, sau thời gian "khó ở" với mẹ chồng, lấy cớ ra ngoài ở riêng để sinh con, nên chị Thịnh đã thoát khỏi người mẹ chồng bá đạo. Ở riêng tuy vất vả, phải lo sắm sanh mọi vật dụng gia đình khá tốn kém khi thu nhập của 2 vợ chồng trẻ có hạn, nhưng có lẽ, đó là may mắn nhất mà chị có được, vì chồng chị khi ấy vẫn thương vợ.
Mất đến 1 năm trời bị mẹ chồng giận dỗi, bà tuyên bố từ mặt con trai, mối quan hệ gia đình rất căng thẳng. May là có sự ủng hộ của bố chồng, lúc chị sinh con trai đầu lòng được 3 tháng, bố chồng đã cùng mẹ chồng chị đến thăm cháu nội. Được bế cháu trai kháu khỉnh trên tay, bà dần quên mất những "thù vặt" con dâu, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu dần được hóa giải. Nay đã gần chục năm trôi qua. Dù mẹ chồng chị vẫn khó tính, nhưng bà không còn cơ hội để dằn hắt, bắt nạt con dâu như ngày đầu nữa.
Chị Thịnh chia sẻ: "Nếu chị em nào gặp phải mẹ chồng khó tính, cách tốt nhất để bảo vệ hạnh phúc của mình là phải mau chóng ra ở riêng bằng mọi cách. Bởi nếu cứ để mâu thuẫn mẹ chồng - con dâu tăng dần theo thời gian, có lẽ sớm muộn gì mái ấm của chính mình cũng rạn nứt, lúc ấy mọi chuyện có khi đã muộn".