Chi phí gấp hàng chục lần
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư từng tiếp nhận bệnh nhân 20 tuổi (quê Hà Nam) bị uốn ván. Đây là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu điều trị sớm thì bệnh nhân được cứu sống mà chỉ mất 12-15 triệu đồng. Tuy nhiên, bệnh nhân này kháng thuốc kháng sinh thông thường nên các bác sĩ đã phải dùng nhiều kháng sinh liều cao, thế hệ mới, mới cứu được. Tuy tính mạng được cứu sống nhưng chi phí điều trị lên đến gần 100 triệu đồng, nhà nghèo nên người thân của bệnh nhân đã phải bán hết các tài sản có giá trị nhất.
|
Các bệnh nhân kháng kháng sinh sẽ có nguy cơ tử vong và chi phí cao từ hàng chục đến hàng trăm lần (chụp tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Diệu Linh
|
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia, người bệnh kháng thuốc phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại châu Âu: Số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, số người tử vong do kháng thuốc là 25.000 người/năm. Ở Thái Lan: Tăng 3,2 triệu ngày nằm viện và 38.000 người tử vong do kháng thuốc. Ở Mỹ là 2 triệu ngày và 23.000 người...
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư), đây chỉ là một ca bệnh thông thường, chi phí thấp nhưng khi kháng thuốc đã đội chi phí lên gần một chục lần. Đối với các ca bệnh biến chứng nhiễm trùng máu mà bệnh nhân kháng kháng sinh thì có thể lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí đội lên cả tỷ đồng mà chưa chắc đã cứu được tính mạng bệnh nhân.
PGS-TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, Việt Nam đã phát hiện nhiều vi khuẩn bệnh viện đa kháng thuốc. Ngoài ra, trong bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị các bệnh do vi khuẩn phế cầu, tụ cầu vàng đều kháng lại nhiều loại kháng sinh. Có những bệnh nhân mắc vi khuẩn kháng kháng sinh và khi bác sĩ cộng nhiều kháng sinh thế hệ mới (3-4 loại) để cùng tấn công con vi khuẩn nhưng vẫn thất bại. Khi đó, dù bác sĩ có cố gắng thế nào cũng không cứu được.
Theo PGS Kính, hậu quả của kháng kháng sinh chính là tính mạng của người bệnh, hoặc khiến bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí cao gấp vài lần đến vài chục lần người không kháng kháng sinh. PGS Kính nhấn mạnh, bệnh nhân kháng kháng sinh thì nguy cơ đối mặt với các bệnh hiểm nghèo không có thuốc chữa cao hơn và nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư.
PGS - TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh Phổi T.Ư cho biết, ở Việt Nam ước tính có khoảng 6.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc. “Nếu bệnh nhân lao bình thường một liệu trình chữa trị mất khoảng 100-150USD (2,2-3,3 triệu đồng), còn bệnh nhân lao đa kháng thuốc điều trị mất 9 tháng (trước là 2 năm) và tốn khoảng 4.000 USD (90 triệu đồng), chưa kể sự “mất mát” khi phải nghỉ việc điều trị, phải đi lại khám chữa bệnh, phải làm các xét nghiệm đánh giá… Chúng tôi tính toán chi phí điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc cao gấp 50-100 lần bệnh nhân lao bình thường” – PGS Nhung nói.
Bán kháng sinh vô tội vạ
PGS Kính phân tích, nguyên nhân kháng thuốc kháng sinh có nhiều như: Mua thuốc, dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ, không theo kê đơn của người dân; việc khuyến khích người dân dùng kháng sinh của không ít cửa hàng bán thuốc. “Cứ thấy người dân “kể bệnh” là người bán thuốc (không hẳn là dược sĩ) đã khuyến khích người dân dùng kháng sinh dù bệnh không cần hoặc chưa đến mức dùng kháng sinh. Thậm chí, họ còn khuyến khích người dân dùng các kháng sinh thế hệ mới, thế hệ cao. Lâu dần, người dân sẽ cần kháng sinh nặng hơn mới khỏi bệnh hoặc kháng kháng sinh” – ông Kính nói.
Còn tại bệnh viện, theo PGS Kính, khó khăn lớn nhất hiện nay là các trang thiết bị y tế cũng chưa đáp ứng nhu cầu giúp bác sĩ phát hiện được bệnh nhân kháng kháng sinh nào. Khi có ca bệnh bác sĩ thường dùng kháng sinh theo kinh nghiệm, thường dùng “chiến thuật” bao vây bệnh để “tiêu diệt” bệnh thật nhanh. Do đó thường dẫn đến việc dùng kháng sinh thế hệ cao, dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, cần phải kiểm soát và xử phạt cao đối với các cơ sở bán thuốc kháng sinh không kê đơn hoặc khuyến khích người dân dùng kháng sinh khi chưa đi khám, chưa được bác sĩ kê đơn: “Hành vi này không khác gì tội làm chết người. Vì nếu người dân dùng kháng sinh lung tung dẫn đến kháng kháng sinh thì khi bị bệnh không thuốc nào chữa được, chỉ chịu chết”.