Cách điều trị mới “cứu” bệnh nhân lao siêu kháng thuốc

Google News

Bệnh viện Phổi Hà Nội bước đầu áp dụng chương trình điều trị lao siêu kháng thuốc cho 8 bệnh nhân.

Sau hơn 3 tháng điều trị nhiều bệnh nhân nhiễm lao siêu kháng thuốc hết hy vọng sống đã có cơ hội hồi sinh. Phác đồ điều trị mới này cũng rút ngắn thời gian điều trị lao.
Ộc máu phải cấp cứu 3 – 4 lần/tháng
Anh Lê Anh Tuấn (47 tuổi ở Hà Nội) bị bệnh lao từ năm 2006 điều trị nhiều lần nhưng vẫn tái phát. Từ năm 2013, anh đã được điều trị phác đồ 4 là phác đồ cao nhất điều trị lao đa kháng thuốc nhưng các triệu chứng lao không giảm, liên tục sốt và ho ra máu, ho như dứt ruột cả ngày lẫn đêm, soi cấy đờm đều dương tính. Anh thường xuyên phải cấp cứu 3 – 4 lần/tháng vì ho ộc máu với khối lượng lớn 100 – 200ml/lần. Anh không còn hy vọng sống bởi hết cơ hội điều trị, bệnh thuộc loại siêu kháng thuốc, kháng toàn bộ các thuốc đang điều trị lao.
May mắn sau 40 năm thế giới mới có thuốc điều trị lao mới, Việt Nam bắt đầu đưa vào điều trị thí điểm và anh là 1 trong 8 bệnh nhân đầu tiên ở Bệnh viện Phổi Hà Nội được lựa chọn áp dụng. Sau 2 tuần, các cơn ho giảm hắn, không còn ho ra máu, sau 1, 2, 3 tháng kiểm soát đờm đều âm tính, anh tăng 10kg, cơ thể khoẻ lên.
Cach dieu tri moi “cuu” benh nhan lao sieu khang thuoc
Thăm khám cho bệnh nhân Lao tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. 
BSCK II Lê Minh Hòa, Trưởng khoa Nội II, Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, Việt Nam mỗi năm ghi nhận 130.000 bệnh nhân lao mới và đứng hàng thứ 11/tổng số 20 nước được đánh giá có tỷ lệ lao kháng thuốc cao. Trung bình mỗi năm nước ta có hơn 5.100 bệnh nhân lao kháng thuốc mới, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc tức là mỗi năm có khoảng 550 bệnh nhân không có phác đồ điều trị hiệu quả, y học cũng bó tay bởi vi khuẩn lao kháng tất cả các loại thuốc hiện có. Người bệnh lao không còn thuốc chữa sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong.
BSCK II Lê Minh Hòa giải thích, mắc lao thông thường đã nguy hiểm, mắc lao kháng thuốc thì mức độ nguy hiểm càng tăng lên nhiều lần. Một khi đã nhiễm lao kháng thuốc, việc điều trị khó khăn: Chi phí cao, thời gian kéo dài, khó khỏi và bệnh nhân có thể gặp nhiều phản ứng bất lợi của thuốc. Tại Bệnh viện Phổi Hà Nội được chương trình lao quốc gia giao tiếp nhận > 400 bệnh nhân lao đa kháng thuốc tại khu vực miền Bắc + Hà Nội.
Đối với bệnh nhân lao kháng thuốc hàng 2 phải được quản lý uống thuốc hằng ngày 100% trước mặt các bác sĩ. Với bệnh nhân siêu kháng thuốc như trường hợp của anh Tuấn thời gian trước là hết hy vọng cứu sống. Mới đây, sau mấy chục năm, thế giới mới có loại thuốc mới cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc và Bệnh viện Phổi Hà Nội là 1 trong 3 điểm trên toàn quốc thí điểm điều trị.
Nguy cơ về tim và có thể tử vong
BSCK II Lê Minh Hòa cho hay, cách mới điều trị lao siêu kháng thuốc rút ngắn thời gian điều trị lao đa kháng thuốc từ 20 - 24 tháng xuống còn 9 tháng. Nhưng không phải là phác đồ chung cho tất cả các bệnh nhân như các thuốc lao khác mà mỗi bệnh nhân được xây dựng một phác đồ điều trị riêng gồm bedaquiline kết hợp các thuốc kháng sinh.
Thuốc được công bố có tác dụng thành công 80% nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ nặng như buồn nôn, đau khớp, đau đầu... và đặc biệt, nguy hiểm là ảnh hưởng đến tim, gây nhịp tim bất thường và có thể tử vong. Vì vậy, các bệnh nhân khi dùng thuốc phải được theo dõi sát, tuần đầu điện tim 3 lần, tuần hai 2 lần, sau đó mỗi tháng 1 lần kết hợp soi cấy đờm. Hiện nay, 8 bệnh nhân sau 3 tháng điều trị dung nạp thuốc tốt, chưa thấy phản ứng bất thường quan ngại.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa và trăn trở của thầy thuốc (nguồn VTV):
 
Nhật Hà

Bình luận(0)