Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Thực phẩm thuộc Đại học Birmingham (Anh), nhận thấy rằng vi khuẩn sau khi tiếp xúc với triclosan, một chất kháng khuẩn được sử dụng phổ biến trong nhiều sản phẩm tẩy rửa, sản phẩm khử mùi, kem đánh răng, xà phòng,… sẽ xuất hiện tình trạng đề kháng với thuốc kháng sinh thuộc nhóm quinolone.
Quinolone là một nhóm kháng sinh được sử dụng khá phổ biến trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, hô hấp, bệnh lây qua đường tình dục (STD), viêm tuyến tiền liệt, nhiễm trùng da và mô mềm.
Triclosan là gì?
Triclosan là một chất diệt khuẩn, rất có hiệu quả trong việc tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Nó xuất hiện trong rất nhiều sản phẩm gia dụng như hóa chất tẩy rửa, kem đánh răng, đồ may mặc, đồ nội thất ...
Năm 2016, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấm sử dụng triclosan trong các loại xà phòng kháng khuẩn và một số sản phẩm tiêu dùng. Các chuyên gia cho biết rằng các loại xà phòng diệt khuẩn trên thị trường không có hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn so với việc sử dụng nước nóng và xà phòng thông thường.
Mặc dù đã có lệnh cấm, nhưng triclosan vẫn có thể được tìm thấy trong rất nhiều sản phẩm tiêu dùng, trong đó có xà phòng, kem đánh răng và đồ chơi trẻ em.
|
Triclosan có trong xà phòng kháng khuẩn và kem đánh răng. Ảnh: Shutterstock/Tamas Panczel - Eross. |
Triclosan gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh như thế nào?
Các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa triclosan và tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở một số loại siêu vi khuẩn.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên vi khuẩn E.coli trong phòng thí nghiệm và phát hiện ra triclosan có trong xà phòng kháng khuẩn có thể gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh thông qua một hiện tượng gọi là “kháng chéo”.
Kháng chéo là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả hiện tượng một chất có thể khiến cho vi khuẩn có khả năng đề kháng với một chất khác tương tự mà nó chưa từng gặp trước đó. Khi vi khuẩn tiếp xúc với triclosan, chúng sẽ sinh ra hiện tượng kháng lại các thuốc kháng sinh thuộc nhóm quinolone.
Nhóm kháng sinh quinolone tiêu diệt vi khuẩn bằng ngăn cản khả năng tổng hợp ADN, khiến của chúng ngừng phân chia và chết đi.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng vi khuẩn có thể biến đổi các biện pháp phòng vệ đặc biệt để ngăn chặn quinolone phá hủy ADN của nó. Và sự biến đổi này cũng khiến vi khuẩn có khả năng đề kháng với triclosan.
Tiến sĩ Mark Webber, tác giả nghiên cứu, cảnh báo hiện tượng này cũng có thể xảy ra ngược lại, có nghĩa là triclosan sẽ gây ra các biến đổi ở vi khuẩn để bảo vệ chúng khỏi sự tấn công của quinolone.
Xà phòng kháng khuẩn có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ có thai
Các loại xà phòng kháng khuẩn không những không mang lại nhiều hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn mà còn có thể gây hại cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
Các chuyên gia tin rằng các hóa chất diệt khuẩn có thể tác động đến các hormone trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.