Luật sư Trần Xuân Tiền (SN 1964 - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội) có nhiều năm làm tham gia vào các vụ án ly hôn. Ông từng chứng kiến không ít cuộc chia ly đau lòng khi người trong cuộc đều đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời.
|
Luật sư Trần Xuân Tiền. Ảnh: Nhật Linh |
Vụ án ly hôn của vợ chồng bà Trần Thanh Hảo - 75 tuổi ở Hải Phòng mà ông tham gia bảo vệ quyền lợi cho người vợ cách đây 2 năm là điển hình.
Luật sư Tiền cho biết, cặp vợ chồng này thuộc diện gia đình nền nếp kiểu mẫu. Tức là con cái thành đạt, cuộc sống khá giả về vật chất.
Tuy nhiên, phía sau sự bình yên, hạnh phúc của gia đình đó là những trận xung đột âm ỉ kéo dài hàng chục năm trời.
Được biết, chồng bà Hảo vốn là sinh viên giỏi của trường đại học Bách Khoa. Ra trường ông được cử đi nước ngoài nhưng ngặt nỗi gia đình neo đơn, bố mẹ già yếu, có mỗi cậu con trai. Chồng bà Hảo định từ bỏ ước mơ du học để ở nhà phụng dưỡng bố mẹ.
Được bà Hảo động viên, dù chưa cưới hỏi nhưng bà chấp nhận thay người yêu ở nhà chăm sóc bố mẹ để ông yên tâm lên đường.
Những năm đó, bà Hảo cũng từ bỏ luôn giấc mơ làm cô giáo của mình để xin đi làm công nhân, lấy tiền chăm lo thuốc men cho bố mẹ chồng tương lai.
Ngày ông trở về, hôn lễ được diễn ra trong sự mừng tủi của bà Hảo. Những tưởng sau bao hi sinh, vất vả bà sẽ có cuộc hôn nhân hạnh phúc bên người mình yêu. Nhưng về sống chung, chồng bà mới bộc lộ rõ con người gia trưởng, độc đoán.
Mọi thứ trong gia đình ông đều tự quyết định và đưa ra mệnh lệnh cho vợ thực hiện. Chưa hết, ông vốn đi học nước ngoài về, có trình độ, trong khi vợ chỉ là cô công nhân đầu tắt mặt tối nên ông coi thường vợ ra mặt.
Bất cừ lời gì vợ nói ông đều bĩu môi, mỉa mai cho rằng vợ thấp kém, không đủ trình độ nói chuyện với ông.
Vợ nấu cơm bằng bếp củi, nhem nhuốc bàn tay ông liền cho rằng bà làm thiếu vệ sinh. Lúc nào ông cũng bắt vợ phải giữ nhà cửa sạch sẽ, tinh tươm, không một hạt bụi.
Sống với người chồng gia trưởng, lạnh lùng, có lúc bà muốn ly hôn, giải thoát cho bản thân mình nhưng thương con bà lại nhắm mắt chịu đựng. Với bà, cả tuổi trẻ là thời gian bà sống trong sự đè nén, o ép đến nghẹt thở của chồng.
Sau khi 3 đứa con ra đời, ông tiếp tục nhận được học bổng sang Pháp 5 năm. Chồng đi vắng, kinh tế gia đình đều đổ dồn lên đôi vai bà. Một nách 3 con thơ, bố mẹ chồng già yếu. Mỗi ngày tan ca bà lại làm đủ thứ việc để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình.
Một mình cáng đáng, gánh gồng chăm sóc bố mẹ chồng và các con cho ông yên tâm công tác. Công sức của bà được đền đáp khi ông từ Pháp về được cất nhắc lên những vị trí cao, kinh tế ngày càng khá giả.
Cuộc sống khá giả bao nhiêu, ông càng tự phụ và coi thường bà bấy nhiêu. Các con lần lượt được ông lo cho đi du học ở nước ngoài rồi về làm việc tại các đơn vị có tiếng.
Từng đó năm, dù đã hi sinh mọi ước mơ, chấp nhận lam lũ để chồng có sự nghiệp thành đạt nhưng trong mắt chồng, bà Hảo luôn là thứ đàn bà xó bếp, không có tiếng nói trong gia đình.
Tuổi trẻ đã vậy, về già tính tính của ông cũng chẳng dễ thở hơn bao nhiêu. Căn nhà rộng lớn, ông bắt bà tự tay dọn dẹp, không cho thuê ô sin. Tiền chi tiêu sinh hoạt ông căn ke với bà từng đồng. Mỗi ngày ông chỉ đưa bà vài chục ngàn để đi chợ.
Ông viện lý do nhà có hai ông bà già, ăn uống chẳng được nhiều nên đưa như vậy là đủ. Đỉnh điểm, cơm bà vừa nấu ông chê mặn, chê nhạt rồi đổ cả mâm cơm đi. Giọt nước tràn ly, không còn lý do gì để bà tiếp tục cuộc hôn nhân với người chồng gia trưởng, bà gửi đơn ra tòa ly dị.
Thấy vợ đòi ly hôn ở tuổi 75, người chồng hết sức choáng váng. Ông không chấp nhận việc người vợ cam chịu, chỉ quanh quẩn xó bếp lại dám bỏ mình.
Trong quá trình làm thủ tục ly hôn, ông chồng gây khó dễ, không muốn chia tài sản cho vợ. Ông ta tuyên bố nếu ly hôn thì bà sẽ ra đi với hai bàn tay trắng vì mọi tài sản trong gia đình đều đứng tên ông, từ căn nhà đến xe cộ… Ông cho rằng những tài sản này do mình một tay gây dựng.
Trước thái độ của chồng, bà Hảo tìm đến luật sư tư vấn. Nghe câu chuyện của bà, luật sư Tiền đã tìm gặp ông chồng và ba người con của họ trao đổi.
Nghe vị luật sư phân tích, các con bà Hảo đều lặng người đi. Bản thân ông chồng cũng không nghĩ những hành động của mình lại làm tổn thương vợ sâu sắc như thế.
Sau buổi nói chuyện, ông chồng đột nhiên thay đổi thái độ. Khi ra tòa không làm khó dễ vợ nữa. Khối tài sản lớn trị giá bạc tỷ ông đồng ý thỏa thuận chia đôi.
“Họ ly hôn nhưng sau này bà Hảo bị tai biến nặng, ông chồng đã quay lại chăm sóc vợ để bù đắp lại lỗi lầm đã gây ra. Âu cũng là kết thúc có hậu cho bà ấy” - vị luật sư sinh năm 1964 nói.