Tập trung tối đa nguồn lực điều trị cho bệnh nhân
Tính đến sáng 3/5, số bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm sau ăn bánh mì tại Đồng Nai là 354 người. Trong đó, bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai đang điều trị 321 người, bệnh viện Nhi Đồng Nai, điều trị 12 bệnh nhân, 2 bệnh nhân nặng phải thở máy, hiện nay huyết động của bệnh nhân tạm ổn, các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại bệnh viện sức khỏe đã khá hơn.
Qua điều tra các trường hợp nhập viện được biết, tất cả đều có ăn bánh mì thịt của Cơ sở bánh mì Băng (địa chỉ tại 148/18 Trần Quang Diệu, KP 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh) trong thời gian từ 15h-19h ngày 30/4/2024.
Sau khi ăn khoảng 4-8 giờ xuất hiện các triệu chứng như: Đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài, có trường hợp bị sốt. Một số trường hợp đã tự mua thuốc uống tại nhà sau đó nhập viện vào sáng 1/5. Bệnh nhân nhập viện được theo dõi sức khỏe với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột.
Thông tin từ UBND TP Long Khánh, Đồng Nai cho biết, cơ sở bánh mì Băng có khả năng phục vụ 1.000 ổ bánh mì/ngày (2 buổi).
Bệnh nhi ngộ độc sau ăn bánh mỳ đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng Nai.
BSCKII Phạm Huyên, Giám đốc BVĐK khu vực Long Khánh, Đồng Nai giải thích lý do bệnh viện phải lập thêm 1 đơn vị điều trị: Do số lượng bệnh nhập viện đông, dẫn đến quá tải nên phải lập thêm 1 đơn vị điều trị tập trung dễ kiểm soát hơn. Chúng tôi đã huy động bác sĩ từ khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Nội, Nhiễm và điều dưỡng về đơn vị này tập trung điều trị tốt cho bệnh nhân.
Trong vòng 1 giờ đồng hồ, 70 giường bệnh cùng trang thiết bị y tế đầy đủ, có thêm quạt máy đã được Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh huy động đầy đủ, đảm bảo điều kiện tốt nhất điều trị người bệnh.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 2/5 đã đề nghị Sở Y tế Đồng Nai đình chỉ ngay cơ sở bánh mì nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm khiến gần 300 người nhập viện.
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 911/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai triển khai các nội dung liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cơ sở bánh mì trên địa bàn phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đồng thời đình chỉ ngay cơ sở bánh mì nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở trên, nếu phát hiện có sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định.
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Các bệnh nhân nghi ngộ độc bánh mì đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh - Ảnh: TTXVN
Tại sao ngộ độc xảy ra?
Sau khi tiếp nhận thông tin về vụ ngộ độc, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế TP Long Khánh đã kiểm tra cơ sở bánh mì Băng cho thấy:
Tiệm bánh mì Băng bán bánh mì thịt bao gồm: Thịt (tự chế biến), chả lụa, pate (tự làm), ngò, dưa leo, đồ chua (củ cải trắng và cà rốt muối chua); nước sốt (tự làm), da bao (mua bên ngoài); phục vụ 02 buổi/ngày (buổi sáng vào lúc 6 giờ đến 10 giờ và buổi chiều từ 14 giờ đến 18 giờ); phục vụ khoảng hơn 1.000 ổ bánh mì/ngày.
Nguyên liệu được sơ chế và chế biến tại địa chỉ bán Đ4 đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh. Theo bà Nguyễn Thị Khánh Băng - chủ cơ sở, ngày 30/4/2024, cơ sở của bà có phục vụ 1.100 ổ bánh mì (sáng: 500 ổ; chiều: 600 ổ).
Theo đại diện lãnh đạo TP Long Khánh, cơ sở bánh mì Băng là cơ sở bán hàng nhỏ lẻ không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến.
Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Long Khánh đã niêm phong tủ cấp đông của cơ sở, khoảng 15 kg đồ chua đã qua chế biến, 1 kg chả lụa; 1 kg thịt heo đã qua chế biến; 4 khay pate trọng lượng khoảng 10 kg... và bàn giao chủ chủ cơ sở tự bảo quản lạnh.
Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở sản xuất Băng:
- Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 47F8015434 do Phòng Tài chính - Kế hoạch, TP Long Khánh cấp ngày 27/9/2021.
- Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại địa chỉ 148/18 Trần Quang Diệu, KP 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
- Số người lao động trực tiếp là 4 người, gián tiếp không.
- Giấy xác nhận tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm không có.
- Giấy khám sức khỏe không có.
- Hợp đồng mua nguyên liệu thực phẩm không có.
- Đa số các nguyên liệu được lấy ở cửa hàng có địa chỉ tại TP Long Khánh.
Đoàn kiểm tra đã buộc cơ sở Bánh mì Băng ngừng hoạt động từ 11h ngày 1/5.
Cách phòng tránh ngộ độc
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho biết, ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn (trúng thực), là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, đồ uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, chứa các chất bảo quản, phụ gia… vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể hồi phục sau vài ngày. Trong trường hợp bị nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm nên thực hiện:
Lựa chọn thực phẩm an toàn: Cần chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng. Chú ý lựa chọn địa điểm buôn bán thực phẩm an toàn, uy tín.
Nên lựa chọn thực phẩm tươi ngon để đảm bảo an toàn: Không chọn những thực phẩm nghi ngờ nhiễm chất độc hóa học hoặc các loại thực phẩm chứa sẵn chất độc như nấm lạ (nấm không rõ tên, nguồn gốc và cách chế biến), khoai tây mọc mầm, cá nóc,… Nếu muốn dùng, cần nắm kỹ cách sơ chế và chế biến đúng để loại bỏ chất độc.
Bảo quản thực phẩm đúng cách:
- Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp và trong thời gian cho phép.
- Nên dùng thức ăn trong ngày, không nên để qua đêm và hâm lại nhiều lần.
- Không ăn khi phát hiện thức ăn đã có mùi vị lạ, thay đổi màu sắc và độ tươi ngon.
- Chế biến thức ăn: Rửa tay trước khi tiếp xúc thực phẩm, trong và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống.
- Làm sạch các nguyên vật liệu trước khi chế biến món ăn.
- Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, ăn uống.
- Đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng nên nghiêm túc thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi. Nếu ăn ở hàng quán, chỉ ăn ở những nơi đảm bảo vệ sinh trong chế biến, môi trường xung quanh thông thoáng, sạch sẽ.
Nếu tự nấu ăn tại nhà, cần chế biến thức ăn đúng cách và hạn chế ăn món tái, món sống,… để tránh nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập gây ngộ độc.
Hiện nay, nguồn thực phẩm trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc nếu người tiêu dùng không có đủ kiến thức để lựa chọn được nguồn thực phẩm an toàn. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân ngộ độc thực phẩm thường tốn kém và khó khăn.
Nhiều trường hợp phải cần đến hệ thống máy móc xét nghiệm mới có thể cho kết quả chẩn đoán chính xác. Vì vậy, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, cẩn trọng trong ăn uống, lựa chọn những sản phẩm an toàn, hợp vệ sinh là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.